Tái cơ cấu ngân hàng:

Vì sao 3 ngân hàng bị mua giá 0 đồng?

TP - Bốn năm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã “chặn” được cú sốc thanh khoản, xử lý được 17 tổ chức tín dụng yếu kém, bảo vệ quyền lợi của người dân, tránh hiện tượng đô mi nô rút tiền hàng loạt. Còn nợ xấu giảm từ mức đỉnh điểm 17% vào năm 2012 xuống dần và chỉ còn ở mức khoảng 3% vào cuối năm nay.
Nợ xấu có thể mua nhưng không thể bán ngay. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Ngân hàng giá 0 đồng đã ổn định trở lại?

Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cho rằng  nhìn lại 4 năm tái cấu trúc nền kinh tế và hệ thống ngân hàng, có thể thấy mới chỉ 3,5-4 năm qua nhưng đã thay đổi ghê gớm. “Từ sự đổ vỡ của tài chính, hệ thống ngân hàng bây giờ dù còn ngổn ngang nhưng phải thừa nhận Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và hệ thống đã làm được rất nhiều”- ông Thành nói. 

TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng Bưu điện Liên Việt thì nhớ lại: “4 năm trước tôi không bao giờ quên hình ảnh người dân xếp hàng để chờ rút tiền (thời sáp nhập ngân hàng cổ phần Sài Gòn, Đệ Nhất và Việt Nam Tín Nghĩa). Còn đến thời điểm vừa rồi dù liên tục công bố mua ngân hàng giá 0 đồng thì tái cơ cấu ngân hàng lại rất… bình lặng”. Mua  ngân hàng 0 đồng có vấn đề gì không? Ông Hưởng cho rằng đây chính là “đánh” chuột nhưng không vỡ bình (“đánh” chuột tức là “đánh” vào chủ tịch HĐQT  còn bình  tức là các NH vẫn còn nguyên- PV).

“NHNN mua lại 3 ngân hàng 0 đồng vì bảo đảm sự an toàn của hệ thống. Chúng tôi không có ý định nắm giữ và gia tăng tài sản tại các ngân hàng  đó mà mua lại vì sự an toàn của Nhà nước của người dân. Cùng với đó, xử lý nợ xấu và phát triển kinh doanh cho các ngân hàng”.

Chánh thanh tra Nguyễn Hữu Nghĩa

Cùng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ cho rằng, thanh khoản ngân hàng thương mại thời điểm năm 2012 rất căng thẳng, thị trường vàng biến động mạnh, tỷ giá hối đoái mạnh, hệ thống ngân hàng thời điểm đó ngàn cân treo sợi tóc. Đến nay, nhìn lại hệ thống ngân hàng đã ổn định, thị trường vàng ổn định, lòng tin của công chúng được phục hồi mạnh mẽ. “Điều quan trọng chúng ta đã chặn được cú sốc thanh khoản.”- TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh. 

Theo ông,  việc một số ngân hàng được mua giá 0 đồng, nếu cứ nói là sáp nhập thì quá bình thường. “Vấn đề ở chỗ có người bị sáp nhập họ tinh tướng lắm cứ như của mình là vàng, trong khi nếu cứ để tình trạng ngân hàng như  thế kéo dài  sẽ rất xấu ảnh hưởng đến niềm tin người dân”, ông Nghĩa lưu ý.

Tại sao lại mua ngân hàng với giá 0 đồng, cơ sở pháp lý nào cho điều này?Trả lời PV Tiền Phong, Chánh thanh tra NHNN - Nguyễn Hữu Nghĩa viện dẫn một số văn bản pháp lý quan trọng mà NHNN làm căn cứ. Theo ông Nghĩa, NHNN luôn làm đầy đủ thủ tục dựa trên luật đã cho phép như: kết quả kiểm toán, giá độc lập khách quan và yêu cầu phải tăng vốn điều lệ, nếu các cổ đông ngân hàng không đạt được 49% thì NHNN sẽ mua lại theo giá quy định. 

“Đối với việc mua lại thời gian vừa cả 3 ngân hàng (NH Xây dựng, OceanBank, GPBank)  đều được thuê kiểm toán quốc tế.  Khi định giá xong thì tài sản các ngân hàng đó âm hết vốn, tức giá trị cổ phiếu chẳng còn gì nữa trong trường hợp đã mất hết vốn chủ sở hữu thì mua 0 đồng là hợp lý.  Điều đáng nói, theo ông Nghĩa kể từ khi “vào tay” NHNN đến nay, dòng tiền gửi đã trở lại 3 ngân hàng trên rất tốt và thanh khoản hoàn toàn đảm bảo. “Dự trữ thanh khoản của ngân hàng Xây dựng là 1.000 tỷ; GPbank là 3.000 tỷ  và OceanBank là 7.000 tỷ. Đây là lực lượng sẵn sàng chi trả cho người dân”- ông Nghĩa khẳng định. 

Nợ xấu, không thể kỳ vọng mua rồi bán ngay

Phát biểu tại Hội thảo “3 năm nhìn lại tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng” ngày 5/10 (do NHNN và báo Lao  động tổ chức), Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, năm 2015 là năm cuối cùng để xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD). Ông Kim Anh nhấn mạnh: “Theo ghi nhận đến thời điểm cuối tháng 8/2015 ngành ngân hàng về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu xử lý nợ xấu với 91,51% tổng số nợ xấu xác định tại tháng 9/2012 cơ bản đã được xử lý xong. Do đó, mục tiêu xử lý nợ đưa về dưới 3% đến cuối tháng 9/2015  sẽ trở thành hiện thực”.

Nhắc đến câu chuyện xử lý nợ xấu, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nói: “Chúng ta có một đống nợ xấu có thể lên đến 300 ngàn tỷ đồng mà vẫn nằm ở đó. Có thể 200 ngàn tỷ  VMAC mua nhưng chỉ là bãi đậu tạm thời rồi sẽ quay trở lại các ngân hàng. Chúng ta không phủ nhận thành tích của NHNN nhưng vấn đề chốt nhất là chúng ta vẫn giậm chân tại chỗ”. Cùng đó, ông Hiếu kiến nghị, cần khung pháp lý làm sao để các ngân hàng và người đi vay giải quyết được với nhau. “Tôi đề xuất với Quốc hội tại thời điểm nào đó có thể quy định vấn đề về phá sản cá nhân”, ông Hiếu nói.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Công ty khai thác và Quản lý tài sản (VAMC) thông tin:  Từ năm 2012 đến nay, VAMC đã mua được nợ số tiền là 224 ngàn tỷ đồng nợ gốc với giá mua 190 ngàn tỷ trái phiếu đặc biệt. “ Hiện VAMC xử lý nợ xấu hết sức quyết liệt, bước đầu đã có chuyển động một cách tích cực. Tuy nhiên, việc thu hồi xử lý tài sản đảm bảo là rất khó khăn”, ông Hùng thừa nhận và khẳng định: “Không thể kỳ vọng nợ xấu mua về rồi bán ngay. Cũng không thể kỳ vọng nợ xấu mua xong để đó xếp kho trả lại mà làm sao nợ xấu mua rồi xử lý được  triệt để, tận gốc trong điều kiện vốn ngân sách chưa có”.