VFF không có quyền cho cầu thủ nhập tịch lên tuyển

TP - LĐBĐVN (VFF) trên thực tế không có quyền quyết định việc có hay không sử dụng cầu thủ nhập tịch ở đội tuyển Việt Nam. Đây vốn là vấn đề gây tranh cãi, ngay cả ở những quốc gia có sử dụng cầu thủ nhập tịch.
Hoàng Vũ Samson (trái) luôn nằm trong tốp chân sút xuất sắc nhất V-League những năm gần đây song cơ hội đóng góp cho ĐTVN của anh gần như không có do những rào cản ngoài chuyên môn. Ảnh: VSI

Singapore là một ví dụ điển hình ở khu vực Đông Nam Á về câu chuyện triệu tập cầu thủ nhập tịch vào ĐTQG. Dù là quốc gia khá cởi mở, nhưng dư luận Singapore cũng “chia phe” khi xoay quanh vấn đề này. AFF cup 2014, đội bóng đảo quốc Sư tử triệu tập 100% cầu thủ bản địa. Nhưng các giải đấu trước đó, tuyển Singapore thường sử dụng nhiều cầu thủ nhập tịch, như Daniel Bennett (Anh), Agu Casmir, Precious (Nigeria), Mutafic Farudin, Aleksandar Duric (Nam Tư), Qui Li (Trung Quốc)…Cầu thủ nhập tịch đã đóng vai trò quan trọng trong các lần đăng quang AFF cup của Singapore vào các năm 2004, 2007 và 2012.

Tuy nhiên như nói trên, dư luận và giới hâm mộ bóng đá Singapore cũng chia làm 2 luồng quan điểm trái ngược nhau đối với việc sử dụng cầu thủ nhập tịch ở ĐTQG. Nhiều người ủng hộ, nhưng một bộ phận khác phản đối, với lý do muốn được thấy Singapore với đội hình “nguyên chất” cầu thủ bản địa chiến thắng, hơn là nhờ các “ông tây” to cao lừng lững, thậm chí khác màu da trong đội hình. Trong khu vực Đông Nam Á, ngoài Singapore thì Đông Timor, Philippines, Indonesia, Malaysia…cũng có lúc sử dụng cầu thủ nhập tịch ở ĐTQG, với mức độ khác nhau.

Triệu tập có chọn lọc không sợ phản đối

Tại Việt Nam, theo tìm hiểu của Tiền Phong, trên thực tế, LĐBĐVN (VFF) cũng đã bàn khá nhiều về vấn đề trên. Tuy nhiên, do vướng nhiều rào cản (ngoài chuyên môn), VFF đã không thể đưa cầu thủ nhập tịch lên tuyển. Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, chỉ duy nhất HLV H.Calisto từng được phép triệu tập cầu thủ nhập tịch lên tuyển, nhưng cũng chỉ ở những trận đấu không chính thức. Do không được “bật đèn xanh”, nên mỗi lần bị truyền thông chất vấn, VFF đều phải “đẩy bóng” sang HLV trưởng ĐTQG.

Chủ tịch CLB SHB Đà Nẵng Bùi Xuân Hoà khi trả lời Tiền Phong cũng thừa nhận, BCH VFF từng đem vấn đề trên ra để bàn bạc, nhưng cuối cùng cũng không được phép quyết. Đến lượt các HLV trưởng ĐTQG cũng không thể gọi cầu thủ nhập tịch, dù rất muốn nâng cao sức mạnh đội tuyển. Đơn cử như trường hợp hiện nay là HLV Nguyễn Hữu Thắng. Ông Thắng như chia sẻ với báo chí, rất ủng hộ đội tuyển Việt Nam được tăng cường thêm 1 hoặc 2 cầu thủ ngoại. Tuy nhiên, ở lần tập trung gần nhất, tiền đạo Hoàng Vũ Samson (Hà Nội T&T) rốt cuộc vẫn “rớt”.

Nói về trường hợp của Samson, Chủ tịch CLB Hà Nội T&T Nguyễn Quốc Hội cho biết: “Tôi rất không muốn nói chuyện này, vì có thể người khác lại nói mình thiên vị cho cầu thủ nhà. Nhưng nếu chỉ xét đơn thuần về chuyên môn, ai cũng có thể thấy Samson đủ khả năng lên tuyển. Cá nhân tôi cho rằng cầu thủ đã nhập tịch thì có đủ mọi quyền lợi, trách nhiệm như công dân Việt Nam. Vấn đề là chúng ta sử dụng ra sao để tránh phản cảm, đồng thời vẫn đảm bảo cầu thủ nội có cơ hội ra sân”.

Trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo nhiều đội bóng ở V.League cũng chia sẻ quan điểm trên của ông Nguyễn Quốc Hội. “Cá nhân tôi cho rằng VFF và HLV trưởng hoàn toàn có thể lựa chọn những cầu thủ nhập tịch có chuyên môn tốt, cống hiến nhiều cho bóng đá, phẩm chất đạo đức tốt cũng như đã gắn bó lâu năm ở Việt Nam để cân nhắc triệu tập vào ĐTQG. Dư luận có thể phản ứng nếu chúng ta vì chạy theo thành tích mà sử dụng ồ ạt, chứ hẳn không ai phản đối việc triệu tập có chọn lọc”-Chủ tịch một CLB phía Bắc nói.

FIFA cấm chính phủ các nước can thiệp vào hoạt động của liên đoàn bóng đá.

Trên thế giới, nhiều quốc gia có nền bóng đá phát triển như Pháp, Đức…cũng sử dụng cầu thủ nhập tịch, dù số lượng hạn chế. Người Đức, vốn nổi tiếng với tinh thần dân tộc cao, chỉ chấp nhận triệu tập cầu thủ nhập tịch vào đội tuyển sau một quá trình dài thay đổi quan điểm.