Hôm nay (18.1) là hạn chót để các Ủy viên Ban chấp hành VFF khóa VIII đóng góp ý kiến về việc bổ sung thành viên Ban trọng tài và Ban giải quyết khiếu nại, theo như đề xuất của 2 ban này và ý kiến của Thường trực VFF sau Hội nghị BCH lần 2 hôm 28.12.
Theo đó, Ban giải quyết khiếu nại đề xuất bổ sung thêm 2 thành viên là ông Dương Vũ Lâm – nguyên Trưởng văn phòng đại diện VFF phía Nam – cho vị trí Phó ban và ông Trần Duy Ly – nguyên Quyền Chủ tịch VFF khóa IV. Trong khi đó, Ban trọng tài muốn bổ sung 3 thành viên: Thứ nhất, giám sát trọng tài, giảng viên trọng tài Đặng Thanh Hạ - Chuyên viên Phòng huấn luyện, đào tạo Trung tâm TDTT Gia Lai. Thứ hai là giám sát trọng tài Nguyễn Tấn Hiền và thứ ba, Giám sát trọng tài Trần Khánh hưng - Trưởng phóng huấn luyện, đào tạo Trung tâm bóng đá An Giang.
Với tinh thần xây dựng và quyết tâm thay đổi để tốt hơn, VFF đã đề xuất các lá phiếu của ủy viên có những đóng góp ý kiến một cách nghiêm túc, công bằng và vì cái cái chung. Thế nên, theo tìm hiểu thì ngoài 3 đề xuất từ VFF, có 2 đề cử khác được nhiều ủy viên BCH đưa ra để đảm bảo tính công bằng cũng như tránh tình trạng thâu tóm quyền lực, chuyên quyền.
Về các cái tên mà đại diện Ban trọng tài VFF đưa ra, trừ Đặng Thanh Hạ có chuyên môn tốt, được đánh giá cao về nhiều yếu tố thì cả ông Nguyễn Tấn Hiền lẫn Trần Khánh Hưng đều có những hạn chế. Ông Hiền nhiều năm làm là ủy viên Hội đồng trọng tài Quốc gia và vài lần “chữa cháy” mỗi khi xảy ra sự cố, Ban trọng tài có biến cần người đứng ra.
Gần như chỉ “đánh trống, ghi tên”, ông Hiền không tham gia các hoạt động trọng tài, ít đóng góp hay có ý kiến gì với Ban trọng tài QG nói chung và thậm chí còn không sinh hoạt hay có liên quan gì đến Ban trọng tài Hà Nội, dù ở Hà Nội. Về chuyên môn, ông không được giới trọng tài lẫn giám sát đánh giá cao.
Ông Dương Văn Hiền nắm ghế Trưởng ban Trọng tài VFF sau sự cố "ghi âm" ồn ào mà ông là nhân vật chính cùng Phó chủ tịch VPF Trần Mạnh Hùng.
Trong khi đó, Trần Khánh Hưng có chuyên môn tốt hơn nhưng do đặc trưng vùng miền cũng như quan điểm công việc, ít tham gia vào việc chung và cũng chỉ “đến hẹn lại lên”, mỗi cuối tuần đi làm giám sát. Theo cơ cấu của Ban trọng tài VFF mà cũng là nguyên tắc bất thành văn để đảm bảo nguyên lý phát triển đồng đều và gây dựng cho sự phát triển sâu rộng, Ban trọng tài cần có đủ đại diện của 3 miền Bắc Trung Nam. Ở thời điểm hiện tại, cả Trưởng ban Dương Văn Hiền và ủy viên Võ Minh Trí đều của TP.HCM, đại diện cho khu vực phía Nam.
Thế nên, theo nhiều ý kiến đề xuất, khu vực miền Trung – Tây Nguyên ngoài ông Hạ (Gia Lai) cần bổ sung thêm đề xuất cựu còi Vàng Võ Quang Vinh (Nha Trang, Đà Nẵng) và Trương Thế Toàn (Hà Nội). Võ Quang Vinh là con rể của cựu Trưởng ban trọng tài VFF Nguyễn Văn Mùi nên có một số cái khó khi đi làm nghề. Khi còn làm nhiệm vụ, ông Vua sân cỏ này cũng dính một số sự cố và bị ác cảm. Tuy nhiên, do chuyên môn tốt nên không thể phủ nhận và thực tế, Võ Quang Vinh là một trong số ít trọng tài Việt Nam 2 lần nhận danh hiệu cao quý Còi Vàng vào các năm 2011, 2012. Từ mùa giải 2018, Võ Quang Vinh treo còi do dính chấn thương và chuyển sang làm giảng viên thể lực. Về chuyên môn và uy tín nghề, anh được đánh giá tốt với nhiều triển vọng.
Võ Quang Vinh từng là trọng tài nhiều triển vọng ở V-League
Với cựu trọng tài Trương Thế Toàn thì lại là một trường hợp đặc biệt. Từ sau sự cố 2005, dù quay lại làm công tác quản lý, điều hành và đào tạo trọng tài nhưng ông Toàn không được trao cơ hội bởi ông sống, làm việc độc lập chứ không “đi dây” và ở cả 2 nhiệm kỳ VI và VII, lãnh đạo VFF đều ngại liên lụy, dính líu trách nhiệm với lý do nhạy cảm nên không sử dụng dù nhận được nhiều đề xuất. Ở thế hệ của mình, Trương thế Toàn được đánh giá là một trong số những trọng tài xuất sắc nhất. Cho đến tận bây giờ, chưa trọng tài Việt Nam nào nào đạt đến cái ngưỡng đỉnh cao của nghề nghiệp như ông Toàn, khi là ông Vua sân cỏ đầu tiên và duy nhất của BĐVN được chính thức tham gia điều cả Asian Cup lẫn Olympic năm 2004.
Từng phải trả giá rất đắt, chịu nhiều hy sinh và mất hết từ sự nghiệp đến danh vọng, đam mê... nhưng sau khi trải qua thời điểm khó khăn, khi trở về vẫn nhận được sự tôn trọng của anh em đồng nghiệp và sự ủng hộ của Lãnh đạo Sở VH-TT Hà Nội nên ông Toàn vẫn được giao trọng trách tiếp tục công việc với vị trí Phó ban phụ trách trọng tài Hà Nội. Điều đáng nói, ở Ban trọng tài Hà Nội bao năm qua vẫn không có Trưởng ban, mình ông Toàn gánh vác chịu trách nhiệm. Hơn 10 năm qua với việc giới thiệu nhiều trọng tài tốt và ở thời điểm hiện tại, với vị trí của một địa phương có nhiều trọng tài hàng đầu của bóng đá Việt Nam, đó là điều không cần bàn cãi với Ban trọng tài Hà Nội.
Theo danh sách chính thức, năm 2019 Hà Nội có tới hơn 50 trọng tài đang tham gia sinh hoạt chính quy. Trong đó, nếu không tính các trọng tài trẻ được phân công làm nhiệm vụ các giải trẻ, giải nữ, futsal… mà chỉ V.League, hạng Nhất thì trọng tài Hà Nội có 10 người. Ngoài cựu trọng tài FIFA Hoàng Anh Tuấn, hiện tại Hà Nội có 3 người đã “gắn mác” FIFA là trọng tài chính Hoàng Ngọc Hà (Còi Bạc 2018), Trương Đức Chiến và trợ lý Huy Hoàng. Và sau thế hệ 7X, đến lứa đầu 8X với những Hà “con”, Chiến “Đông Anh” thì hiện tại Hà Nội có hơn 10 trọng tài 9X được đánh giá rất triển vọng, được cơ cấu để đào tạo, rèn giũa thành lực lượng nguồn trong tương lai.
Không chỉ là những vấn đề chuyên môn, các mối quan hệ chồng chéo liên quan đến quyền lợi nhóm và việc chi phối quyền lực, một trong những điều đáng báo động với công tác trọng tài Việt Nam những năm gần đây là việc thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng trọng tài chất lượng và trẻ. Đây là điều cả 2 đời Chủ tịch VPF là Võ Quốc Thắng rồi Trần Anh Tú đều hơn một lần ý kiến và thậm chí mùa trước từng phải làm công văn “kêu cứu” để gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng đáng lo ngại.
Bên cạnh đó, một điều phải cải thiện, đó là việc thiếu vắng các trọng tài hàng đầu Việt Nam được tham dự các sân chơi lớn ở khu vực, châu lục và thế giới cũng mối quan hệ với giới trọng tài ở Đông Nam Á, Châu Á lẫn FIFA. Thế nên ở nhiệm kỳ VIII với bộ sậu lãnh đạo VFF mới và quyết tâm làm lại, thay đổi nhiều thứ, công tác trọng tài phải được ưu tiên hàng đầu. Có quá nhiều việc để làm và đầu tiên, quan trọng nhất là sắp xếp nhân sự Ban trọng tài để tránh đi vào “vết xe đổ”.