Nhưng theo Reuters, quyết định được đưa ra hôm thứ sáu, được cho là có thể khiến tình trạng lạm phát ở quốc gia xuất khẩu dầu mỏ Nam Mỹ này thêm trầm trọng.
Đối mặt với suy thoái và giá cả tăng phi mã trong 11 năm cầm quyền, ông Chavez từ lâu chịu sức ép phải điều chỉnh giá trị của đồng nội tệ, vốn bị cho là được định giá quá cao.
Nhưng theo các nhà quan sát, đây là một động thái gây bất ngờ, vì người ta không trông đợi ông Chavez thực hiện điều này trước đợt bầu cử. Người dân Venezuela sẽ đi bầu quốc hội mới trong tháng 9 tới.
Việc phá giá đồng bolivar có thể khiến khoản thu ngân sách từ dầu mỏ tăng lên và tạo lợi thế cho các nhà xuất khẩu trong nước, nhưng cũng khiến giá cả, vốn tăng 25% trong năm 2009, mức cao nhất ở châu Mỹ, rục rịch tăng.
Đồng nội tệ đã được ấn định ở mức 2,15 bolivar ăn một USD kể từ năm 2005, một phần kế hoạch kiểm soát mạnh kinh tế đất nước của ông Chavez.
Nhưng Tổng thống Venezuela, trong một bài phát biểu trên truyền hình, nói giờ đồng nội tệ sẽ có 2 mức tỷ giá. Mức tỷ giá ưu đãi 2,6 bolivar/USD được áp dụng với hàng nhập khẩu thiết yếu như lương thực, thuốc men và máy móc, và mức 4,3 bolivar/USD cho “những thứ khác”.
“Biện pháp này nhắm tới nhiều mục tiêu: thúc đẩy sản xuất, củng cố sự vững mạnh của kinh tế Venezuela, giảm nhập khẩu những thứ chưa thực sự cần thiết và cùng lúc ấy, khuyến khích xuất khẩu”, ông Chavez nói. “Venezuela phải là nước xuất khẩu nhiều thứ khác chứ không chỉ dầu mỏ”.
Trước tuyên bố hôm thứ sáu, đồng bolivar đã yếu đi ngoài chợ đen, ở mức 5,9 tới 6,1 bolivar/USD do có tin đồn về việc phá giá.
Các nhà kinh tế Venezuela nói nguy cơ chính từ việc phá giá đồng nội tệ là áp lực tăng chỉ số giá tiêu dùng. Nhưng chính phủ hy vọng tác động của việc phá giá đến tình trạng lạm phát sẽ được xử lý bằng trợ giá lương thực và xăng dầu, miễn phí một số dịch vụ như chăm sóc sức khỏe, tăng lương cơ bản.
Ở mức 4,3 bolivar/USD, đồng bolivar yếu đi 50%, còn ở mức 2,6 bolivar/USD, đồng tiền của Venezuela yếu đi 17,3%. Lần phá giá đồng tiền gần đây nhất của nước này là vào năm 2005. Năm 2008, Venezuela nâng giá trở lại đồng nội tệ. Kinh tế Venezuela được dự báo có mức sụt giảm 2,9% trong năm 2009.
Việc phá giá tiền của Venezuela cũng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế nước láng giềng Colombia, đang có nhiều căng thẳng chính trị với Caracas.
“Giá mọi mặt hàng xuất khẩu của chúng tôi sang Venezuela sẽ tăng chỉ sau một đêm”, Camilo Perez, kinh tế gia trưởng của ngân hàng Banco de Bogota của Colombia nói. “Venezuela là đối tác thương mại lớn thứ hai của Colombia, do vậy động thái của ông Chavez sẽ có tác động rất lớn đến kinh tế Colombia”.