Váy ngắn - biểu tượng thời trang ngọt ngào

Những chiếc váy ngắn đã xuất hiện từ thập niên 1960 như một biểu tượng của tuổi trẻ nổi loạn, như một phần của đời sống văn hóa thập niên 1960 nhiều biến động. Cho đến giờ, váy ngắn vẫn được xem là một biểu tượng thời trang lâu bền bậc nhất.

Trong số rất nhiều những biến động xảy ra ở thập niên 1960, từ sự xuất hiện của The Beatles tới việc con người lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, váy ngắn cũng được coi là một nét nổi bật của thời kỳ đó. Cho tới tận hôm nay, váy ngắn vẫn là một biểu tượng có sức sống lâu bền nhất của thập niên 1960.

Người ta có rất nhiều tranh cãi về việc ai là người đã sáng tạo ra chiếc váy ngắn nhưng có một điều chắc chắn nó đã xuất hiện đầu tiên ở London. Năm 2009, khi Bưu điện Hoàng gia Anh cho ra mắt 10 con tem tôn vinh những thiết kế kinh điển của Anh, váy ngắn đã nằm trong số đó, bên cạnh máy bay siêu thanh Concorde, bốt điện thoại màu đỏ đặc trưng…

Váy ngắn là một hiện tượng đặc biệt và có sức ảnh hưởng lớn, nó gắn liền với đời sống văn hóa của những người trẻ ở thập niên 1960, nó thể hiện tinh thần của một thế hệ và đánh dấu điểm khởi đầu của một thời kỳ tự do, bình đẳng về giới khi vẻ đẹp của phụ nữ được khoe ra nhiều hơn.

Váy ngắn gắn với biết bao biến động của đời sống xã hội khi đó. Thực tế váy ngắn đã xuất hiện thưa thớt từ hồi thập niên 1920, nhưng khi đó váy ngắn chưa gắn với một làn sóng mạnh mẽ khẳng định sự tự do, bình đẳng về giới như ở thập niên 1960.

Một trong những nhà thiết kế người Anh được cho là người đã sáng tạo ra váy ngắn và biến nó trở thành biểu tượng thời trang của thập niên 1960 - bà Mary Quant - đã kể rằng ngay từ khi còn là một nữ sinh trung học, bà đã luôn cuốn cạp váy lên để váy ngắn hơn và trông mình thời trang hơn.

“Nàng thơ” giúp nhà thiết kế Mary Quant về sau sáng tạo ra hàng loạt mẫu váy ngắn, đó là một vũ công vô danh mà bà từng nhìn thấy tại một phòng tập. Cô gái này đã bất ngờ xuất hiện trước mắt Quant và được bà miêu tả là hình ảnh mà khi đó bà muốn trở thành.

Cô gái mặc một chiếc váy ngắn xếp nếp dài khoảng 25cm, bên trên mặc một chiếc áo len đen, mỏng, ôm vào người, tóc cắt ngắn, chân đi giày và mang một đôi tất màu trắng cao đến mắt cá. Hình ảnh đó đã khiến nhà thiết kế Mary Quant nhớ mãi bởi vẻ đẹp của đôi chân đã được làm nổi bật.

Giờ đây, khi đã tròn 80 tuổi, Mary Quant vẫn rất tâm đắc với hình ảnh của những chiếc váy ngắn. Đối với bà, váy ngắn trông thật tuyệt, thật lạc quan, tươi trẻ, quyến rũ…

Váy ngắn chứa đựng nhiều thông điệp trộn lẫn, nó vừa cho thấy hình ảnh một cô gái ngây thơ, nữ tính, vui vẻ, yêu đời, vừa cho thấy một sự hài hước, ham vui… Đó thực sự là một phần của sự nổi loạn mà giới trẻ thập niên 1960 muốn hướng tới.

Nếu thập niên 1950 là thời kỳ của những người trẻ với nhiều tâm sự, trăn trở, luôn sống trong quy tắc, luật lệ thì thập niên 1960 là một sự đối lập hoàn toàn.

Váy ngắn khi đó đã thách thức những chuẩn mực cứng nhắc, khiến những người mang tư tưởng bảo thủ cảm thấy sốc, những nhà thiết kế nổi tiếng như Coco Chanel cũng không chịu công nhận vẻ đẹp của váy ngắn. Tuy vậy, sự bảo thủ được tích lũy từ những thập niên trước, bất ngờ bị chống đối lại bởi giới trẻ thập niên 1960.

Đối với nhà thiết kế Mary Quant, chính các cô gái ngoài đường phố đã sáng tạo ra váy ngắn. Khi đó, các cô gái bắt đầu hướng tới một diện mạo trẻ trung, mạnh mẽ, mong muốn được khoe ra những nét đẹp của cơ thể, thử nghiệm những kiểu tóc mới lạ, trang điểm trước khi ra phố… Lúc này, vẻ đẹp trang nhã, quý phái không còn là đích đến duy nhất của họ nữa.

Không như nhiều món đồ thời trang khác có thể dành cho phụ nữ ở nhiều độ tuổi. Váy ngắn thường chỉ dành cho những người trẻ.

Một điều tra xã hội được thực hiện bởi chuỗi siêu thị Debenhams của Anh đã cho thấy, ở thập niên 1980, phụ nữ dừng mua váy ngắn ở tuổi 33, nhưng giờ đây, phụ nữ ở độ tuổi 40 vẫn có nhiều người mặc váy ngắn. Không nghi ngờ gì, khi tuổi xuân của phụ nữ ngày càng được kéo dài, họ sẽ mặc váy ngắn kể cả khi đã bước qua tuổi 40.

Theo Bích Ngọc

Theo Dân Trí