Vật thể nghi là bom gần bãi nổi sông Hồng

Vật thể nghi là quả bom dài 1,6 m được phát hiện gần bãi nổi sông Hồng, cách cầu Long Biên khoảng 800 m về phía thượng lưu.
Vật thể lạ nằm gần bãi nổi sông Hồng, cách cầu Long Biên khoảng 800 m về phía thượng lưu. Ảnh: Giang Huy

Chiều 18/6, ông Nguyễn Công Minh, Chi cục trưởng Đường thủy nội địa phía Bắc, cho biết cách đây 2 ngày, đơn vị nhận được thông tin của người dân làm nghề thuyền chài trên sông Hồng thông báo về vật thể nghi bom nằm cách cầu Long Biên khoảng 800m. Đơn vị đã cử người đến kiểm tra và đóng luồng chạy tàu Tứ Liên - Trung Hà đoạn qua cầu Long Biên trên tuyến sông Hồng để đảm bảo an toàn phương tiện qua lại.

Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc đã nhanh chóng thông báo cho chính quyền địa phương, Ban chỉ huy quân sự quận Long Biên để tiến hành xác định vật thể nêu trên.

"Sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng kết luận đó là quả bom và dự kiến sẽ trục vớt vào tuần sau", ông Minh nói. Một nguồn tin khác xác nhận qua kiểm tra ban đầu thấy "đây là quả bom sót lại từ thời chiến tranh". Vật thể này dài 1,6 m, đường kính khoảng 0,35 m, trọng lượng 280 kg, khả năng còn ngòi nổ. Lực lượng chức năng đã khoanh vùng, bố trí người canh gác trong bán kính khoảng 200 m từ vị trí vật thể; nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân qua lại khu vực này.

Khu vực sông Hồng có hai luồng chạy tàu, gồm luồng bờ trái và bờ phải sông Hồng. Luồng nghi phát hiện quả bom là luồng chạy tàu phía bờ sông, đoạn Tứ Liên - Trung Hà, tại km 183+800, cách tim luồng khoảng 30 m, sâu khoảng hơn 2 m.

Cuối năm 2017, người dân địa phương từng phát hiện, thông báo cho lực lượng chức năng xử lý một quả bom ở chân cầu Long Biên. Quả bom này sau đó được trục vớt và tiêu hủy.

Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, nằm cách Hồ Gươm hơn 2 km, nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên. Cây cầu 118 tuổi này không chỉ là tuyến giao thông huyết mạch đi các tỉnh phía Bắc mà còn là di tích lịch sử nổi tiếng của Thủ đô. Trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc (1965-1972), cầu Long Biên bị ném bom khoảng 14 lần, 1.500 m cầu, 9 nhịp và 4 trụ cầu hư hỏng nặng. Quân dân Hà Nội đã xây dựng nhiều trận địa pháo phòng không trên bãi cát nổi (bãi giữa) giữa sông Hồng để bảo vệ cây cầu.

Theo Theo VnExpress