Vào ra Formosa những ngày sóng gió

TP - Một ngày giữa tháng 7/2016, Trưởng Ban Kinh tế - xã hội Phạm Đình Thắng vỗ vai: “Tòa soạn muốn một người Nghệ An hoặc Hà Tĩnh vào Formosa. Chú đi đi”. Tôi đúng dân Nghệ An, gật đầu, “kéo” theo một phóng viên nữa rồi lên đường…
Hình ảnh thuyền nằm bãi tại xã Kỳ Phương, Kỳ Anh

Người bạn cũ và tấm thẻ công nhân

Lúc đó, vấn đề Formosa rối loạn. Sự lo lắng, bức xúc lên đỉnh điểm, tụ tập đông người xảy ra tại Formosa và nhiều nơi khác. Chính quyền, cơ quan chức năng lộ rõ sự lúng túng khi để thông tin nhiễu loạn, giải pháp đưa ra không tạo được niềm tin…

Tổng thư ký tòa soạn Lê Minh Toản gọi điện yêu cầu ghi nhận chân thực nhất những tác động của sự cố, ngõ hầu hé lộ giải pháp khả thi trước mắt. Chủ đề được đặt hàng là vậy nhưng cách thức triển khai cứ phải tự mò. Trên chặng đường từ Hà Nội về Formosa, cậu em đồng hành lái xe, còn tôi liên hồi gọi điện, nhắn tin và check Facebook.

Cái gốc tích xứ Nghệ lập tức phát huy tác dụng. Một anh bạn quê Hà Tĩnh từng tụ bạ, lang thang nhiều lần ở Hà Nội đang làm công nhân tại Formosa bắt máy. Vào Kỳ Anh chiều muộn, mặt trời to như cái mâm, đỏ quạch. Không khí ngột ngạt, đi đâu dân tình cũng xôn xao cá chết, độc hại, buôn bán thất bát. Lực lượng công an chốt chặn nhiều nơi.

Tác giả (bìa trái) dùng bữa trưa cùng bạn trong công trường Formosa

Sau bữa bia chiều trước cổng Formosa, ông cai thầu của anh bạn tôi tuyên bố: “Mai cho các chú làm thợ của anh đi vô, coi đứa mô dám cản”. Sáng mai, chúng tôi trưng ra thẻ công nhân của nhà thầu, chứng minh thư, rồi ưỡn ngực đạp xe đạp vào công trường. Chiếc áo quá chật, căng binh khiến tôi càng lộ rõ là công nhân thuộc diện béo nhất công trường.

Anh bạn dẫn hai anh em chúng tôi đạp xe khắp Formosa và chỉ chi tiết: Đây là cảng tiếp nhận hàng, hiện là nơi đổ xỉ than, phía dưới khu vực này có các ống thải dẫn xuống biển. Còn kia là các lò đốt, có lò luyện than, lò luyện thép, có lò của nhà máy nhiệt điện… Một số lò đã hoạt động, anh em chúng tôi leo lên đỉnh lò cao cỡ tòa nhà 6 tầng, khói bốc hầm hập, mùi than khét đặc. Dưới các mương nước thi thoảng vẫn gặp cá chết, công nhân thỉnh thoảng vớt lên. Xỉ, rác ngập công trường vì phía ngoài dân đang biểu tình. Những hình ảnh đó được đăng tải độc quyền trên Tiền Phong.

Dân cầm dao quắm dẫn đường

Hôm sau, chúng tôi phóng xe vào ruộng muối của xã Kỳ Hà. 5 phút sau, khoảng 30 người dân ùa ra vì nghĩ chúng tôi là cán bộ trung ương về kiểm tra. Dân trách móc việc để xảy ra sự cố khiến cho họ khổ sở, đến hạt muối mình làm ra cũng không dám ăn. Chúng tôi trình thẻ nhà báo mới yên để nói chuyện. Rồi dân hát, đọc vè réo rắt, kêu nghèo kể khổ cho nghe một hồi và lấy xe máy dìu ôtô của chúng tôi rời khỏi xã.

Kinh nghiệm cứ bám dân là sống được chúng tiếp tục áp dụng tại xã Kỳ Tân. Xã này có nhà máy xử lý rác thải của Cty Môi trường Phú Hà - đơn vị xử lý rác thải cho Formosa. Lúc đó, ở chi nhánh của công ty này tại Phú Thọ, có nhóm phóng viên vừa bị bảo vệ đánh thẳng tay. 

Để phòng xa, chúng tôi vào một hộ dân cạnh hàng rào nhà máy rác. Thông tin được cung cấp rất cụ thể, lại được con trai chủ nhà cầm dao quắm, phạt cây, luồn bụi tiến sát hàng rào. Phía trong, hai bảo vệ lăm lăm cây gậy định bật qua hàng rào, thấy anh hàng xóm cầm dao quắm chỉ vào mặt mới khựng lại, chửi đổng. Nhờ vậy, những hình ảnh nhà máy rác khói mù mịt, các ống nước từ hồ thải chĩa ra ngoài, suối nước lượn quanh bãi rác… nhanh chóng xuất hiện trên Tiền Phong.
Việc phỏng vấn được Bí thư Hà Tĩnh Lê Đình Sơn lúc nước sôi lửa bỏng đó cũng là thành công. Lúc mới vào Hà Tĩnh, chúng tôi đặt vấn đề và bị từ chối nhưng những ngày sau đó vẫn liên tục nhắn tin. Ngày thứ 15, chúng tôi đề nghị ông phát ngôn để yên dân vì “Dân manh nha di cư khỏi thị xã vừa lập” (tiêu đề kỳ 3 của tuyến bài “Từ tâm chấn Formosa”), ông Sơn mới đồng ý.

Hôm các phóng viên truyền hình phỏng vấn tôi (trước lễ trao giải báo chí của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó tuyến bài “Từ tâm chấn Formosa” đoạt giải nhì), tôi nói, ấn tượng lớn nhất của tôi về tuyến bài là tấm ảnh chụp các con thuyền phủ bạt trắng như đang để tang cho biển. Một hình ảnh rợn người và bây giờ, qua 2 năm, vẫn rờn rợn khi nghĩ lại.