Vàng SJC của công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh), lúc 11 giờ, niêm yết mức 46 triệu đồng/lượng trên chiều mua vào và 46,2 triệu đồng/lượng trên chiều bán ra.
Vàng miếng hiệu Phượng Hoàng PNJ-DAB của công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận, cùng thời điểm, phổ biến ở mức 46 – 46,15 triệu đồng/lượng.
Cuối buổi sáng, Sacombank công bố giá vàng miếng hiệu SBJ mua vào 46 triệu đồng/lượng, bán ra 46,20 triệu đồng/lượng. So với sáng qua, vàng trong nước hiện tăng trở lại khoảng 250.000 đến 300.000 đồng/lượng.
Vàng thế giới hôm qua tiếp tục giảm do nhu cầu thanh khoản cao và đồng USD vẫn duy trì đà tăng so với euro.
Khép phiên giao dịch đêm 10-11 tại Mỹ, vàng giao sau tháng 12 mất 32USD, còn 1.759,60USD/Oz, sau khi dao động trong biên độ rộng, với mức cao nhất trong phiên là 1.776,90USD/Oz và mức thấp tương ứng 1.736,60USD/Oz.
Nhu cầu nắm giữ tiền mặt đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư quốc tế bán vàng chốt lời ngắn hạn hoặc chuyển sang mua cổ phiếu. Chứng khoán Mỹ hôm qua phục hồi ngay sau khi chính phủ công bố số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần qua đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai tháng. Tuy nhiên, theo Bayram Dincer, chuyên gia phân tích tại LGT Capital Management (Thụy Sỹ) “đây chỉ là bước điều chỉnh ngắn hạn do đồng USD mất giá, nhà đầu tư vẫn chưa mất lòng tin đối với vàng”.
Như vậy, sau hai ngày, giá vàng tương lai giảm khoảng 1,6%, trong khi đồng USD tăng 1,5%.
Trước đó, giới đầu tư đã tăng cường mua vàng vật chất hoặc đầu tư vàng thông qua các quỹ đầu tư tín thác vàng lớn. Thống kê của hãng tin Bloomberg (Mỹ) cho thấy, sản phẩm vàng tại 10 quỹ đầu tư hoán đổi vàng lớn đã tăng 12 ngày liên tiếp.