Vào lúc 9h30, Công ty Vàng bạc đá Quý Sài gòn niêm yết vàng miếng SJC 81,8 - 83,8 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giảm 1 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng.
Tập đoàn Doji niêm yết 81,7 - 83,7 triệu đồng/lượng. Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu giảm còn 81,9 - 83,75 triệu đồng/lượng.
Trái ngược với giá vàng SJC, vàng nhẫn lại tiếp tục tăng mạnh. Cụ thể, Tập đoàn Doji niêm yết 76,2 - 78 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 150.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.
Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết 76,08 - 76,78 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 300.000 đồng/lượng.
Như vậy, trong 3 ngày, giá vàng nhẫn tăng gần 5 triệu đồng/lượng. Không chỉ tăng nhanh hơn vàng miếng trong nước, giá vàng nhẫn tăng nhanh hơn cả giá trên thị trường quốc tế.
Giá vàng nhẫn tăng quá nhanh khiến nhiều người "tiếc hùi hụi" vì bán quá sớm. Chị Nguyễn Minh (Thanh Xuân, Hà Nội) mua 2 lượng vàng nhẫn từ trước Tết và bán cách đây hơn một tuần với giá 68 triệu đồng/lượng, thu về 9 triệu tiền lãi. Nếu để đến hiện nay, số lãi đã tăng lên gấp đôi. “Tôi cứ nghĩ mình bán đúng đỉnh khi sau khi bán giá vàng giảm. Thế nhưng giờ nhìn giá vàng mà tiếc”, chị Minh nói.
Lý giải về cơn tăng giá bất thường của vàng nhẫn, các chuyên gia cho rằng thị trường đang có xu hướng dịch chuyển sang vàng nhẫn do người mua lo ngại giá vàng miếng SJC ở mức cao. Trong khi đó, thị trường vàng nhẫn không đủ nguồn nguyên liệu nên rơi vào tình cảnh khan hiếm dù không phải là thương hiệu độc quyền, dẫn đến ngày càng trở nên đắt đỏ.
Đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh vàng chia sẻ, thiếu nguồn cung nguyên liệu sạch để sản xuất vàng trên thị trường cũng có thể là yếu tố góp phần đẩy giá vàng nhẫn lên cao.
Theo một số dự báo của các chuyên gia nước ngoài, vàng thế giới có thể lên 2.700-2.800 USD/ounce, lúc này vàng nhẫn cũng có thể sẽ lên 80 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới đã tăng liên tục trong 7 phiên liên tiếp, dù đã tăng "nóng" thời gian qua.
Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho rằng đang có nhiều yếu tố hỗ trợ giá vàng tăng mạnh. Không chỉ là các kênh đầu tư khác đang rủi ro như chứng khoán quốc tế giảm nhiều phiên liên tiếp, còn xung đột căng thẳng ở khu vực Trung Đông hay nhu cầu mua vào của ngân hàng trung ương các nước, trong đó có Trung Quốc, cũng gia tăng.
"Ngay việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ bắt đầu điều chỉnh giảm lãi suất điều hành từ giữa năm nay, dù đã được phản ánh vào giá và thị trường điều biết nhưng vẫn hỗ trợ giá vàng tăng. Có lẽ phải đến khi Fed chính thức hạ lãi suất, giá vàng mới hạ nhiệt" - ông Khánh dự báo.
Cũng trao đổi với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Đức Độ - Viện Phó Viện Kinh tế Tài chính - cho rằng, có 4 nguyên nhân khiến giá vàng trong nước biến động mạnh trong 3 ngày hôm nay. Thứ nhất, giá vàng thế giới tăng mạnh ảnh hưởng đến giá vàng trong nước. Thứ hai, nhu cầu mua vàng theo tâm lý đám đông. Thứ 3, nguồn cung vàng khan hiếm bởi hơn 10 năm nay Ngân hàng Nhà nước không cho phép nhập vàng. Thứ 4, có thể việc khan hiếm vàng và nhu cầu tăng cao nên một số doanh nghiệp đẩy giá lên.
Theo ông Độ, giá vàng trong nước tăng cao là câu chuyện khó về điều hành của Ngân hàng Nhà nước. “Muốn giá vàng hạ nhiệt chỉ còn cách nhập vàng nhưng khi nhập sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước sẽ phải cân nhắc làm sao ổn định giá vàng nhưng cũng không để người dân đổ xô mua vàng dẫn đến vàng hoá nền kinh tế”, ông Độ nói.