Tư duy tập thể - “vũ khí” cạnh tranh thời 4.0
Theo khảo sát toàn cầu của PwC về vai trò của văn hóa đối với các lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện năm 2021, 81% người có niềm tin mạnh mẽ rằng văn hóa của doanh nghiệp chính là lợi thế cạnh tranh của tổ chức mặc dù mức độ ở mỗi quốc gia là khác nhau: Mỹ - 80%, Trung Quốc – 94%, Ấn Độ - 92% và Anh – 72%. Trong đó có 72% các nhà quản lý cấp cao đồng ý rằng văn hóa giúp hiện thực hóa các sáng kiến thay đổi trong tổ chức. Đặc biệt, 80% ý kiến cho rằng văn hóa giúp tăng sự hài lòng của người lao động.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cũng chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp để tăng lợi thế trên thị trường tuyển dụng. Trong số đó, TNG Holdings Vietnam cũng đang hướng tới việc phát triển văn hóa theo chiều sâu để công cụ quản trị này trở thành “vũ khí” cạnh tranh trong thời đại mới.
Ông Trần Xuân Quảng, Tổng Giám đốc Tập đoàn kiêm Trưởng ban Văn hóa TNG Holdings Vietnam cho biết: “Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để có được sự phát triển về chiến lược số cần phải có tư duy của tập thể mới có thể đáp ứng được nhu cầu của thời kỳ hiện tại. Chúng tôi muốn lấy ý chí của số đông để cùng nhau thay đổi, phát triển, dần thay thế tư duy theo phương pháp truyền thống. Việc vận dụng linh hoạt văn hóa doanh nghiệp sẽ giúp chúng tôi làm được điều đó”.
Sau 5 năm triển khai bài bản, văn hóa doanh nghiệp của TNG Holdings Vietnam đã đạt mức 5/6 - mức độ “Thấm nhuần” theo thước đo Denison. TNG Holdings Vietnam cũng là 1 trong 24 doanh nghiệp được vinh danh “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2022.
Tái cấu trúc theo hướng tiếp cận bằng văn hóa
Cách đây 5 năm, TNG Holdings Vietnam đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản trị từ những công ty con hoạt động độc lập sang tập trung. Để giải quyết những thách thức trong nội bộ, thay vì tập trung vào hệ thống, quy trình, ứng dụng công nghệ, hệ thống kiểm soát, KPIs, TNG Holdings Vietnam chọn hướng tiếp cận bằng văn hóa.
Đánh giá về hướng tiếp cận này, chuyên gia tái thiết, tư vấn triển khai - bảo trì văn hóa doanh nghiệp Loan Văn Sơn cho biết: “Chúng tôi đề cao cách tiếp cận của TNG Holdings Vietnam. Khi bắt đầu bằng văn hóa doanh nghiệp, chúng ta sẽ tạo ra một ngôn ngữ đặc trưng cho doanh nghiệp. Ngôn ngữ chung đó sẽ là la bàn định hướng cho tất cả các quyết định cũng như cách thức giải quyết vấn đề từ đó tạo ra những thay đổi. Bởi vì bản chất của thay đổi là thay đổi về nhận thức, tư duy, văn hóa chứ không phải là thay đổi của phần cứng. Văn hóa tạo ra chất kết dính, là bước đầu tiên để chúng ta tái cấu trúc một công ty. Thay đổi phần cứng chỉ là bước thứ hai”.
TNG Holdings Vietnam đã định hình nền tảng văn hóa doanh nghiệp và áp dụng rộng rãi trong toàn bộ Tập đoàn. Nền tảng văn hóa này kết tinh từ những gì tinh túy nhất của truyền thống hơn hai thập kỷ xây dựng và phát triển, cũng là đúc kết những gì tinh hoa nhất của khoa học quản trị.
Sau khi nền tảng văn hóa được đưa vào áp dụng, hàng nghìn nhân sự tại TNG Holdings Vietnam đã trở nên tích cực, chủ động hơn.
“TNG Holdings Vietnam đã được hình thành, tạo ra nét riêng giúp thu hút nhân tài bên ngoài vào hệ thống”, chuyên gia Loan Văn Sơn nhấn mạnh.