Những bức tranh vừa mới vẽ xong, phần lớn tranh còn ướt sơn. Đó là những bức tranh Đàn Hạc Cất Cánh, Vũ Điệu Đêm Trăng hoặc Trăng Trên Phố Cổ, Đêm Hồ Gươm, Hoa Đào Giao Thừa (sơn dầu, cỡ 120x90cm, 2019).
Chúng có sự khác biệt với 1.700 bức trước đây của chị bởi luôn có những khoảng lặng êm đềm loang rộng, đối ngược với những mảng tả chi tiết, đường nét, dồn dập, ánh sáng tương phản rất mạnh hoặc le lói.
Một điểm khác là chim hồng hạc chỉ sống trong môi trường trong lành, thiên nhiên hoang dã, chúng luôn sống thành bầy có ông bà, bố mẹ, con cháu quây quần. Với Văn Dương Thành, chúng là biểu tượng cho hạnh phúc, sự thủy chung, tình cảm thiêng liêng của gia đình, sự xum vầy gắn bó của các thế hệ con cháu, bên cạnh đó là một thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp.
Văn Dương Thành chăm chú quan sát các đàn hạc cổ đỏ ở Đồng Tháp Mười, và cò quắn trắng, cò nhạn châu Phi, hạc Vương Miện, ...mỗi dòng chim hạc có một vẻ đẹp riêng biệt rất uyển chuyển, rất nên thơ, từ hình dáng đến màu sắc đều khiến người xem kinh ngạc.
Khoảnh khắc mà bầy hạc cất cánh bay lên từ đầm nước với hoa súng, cây chàm, cây lau thì là một hình ảnh tuyệt vời đầy nhạc tính và những đôi cánh sải rộng, mềm mại, tha thướt bay vút lên và xa dần trong những đám mây.
Bức tranh Giai Điệu Hạnh Phúc, Sonanta Đêm Trăng, Bản Nhạc Hạc Đỏ, Bản Nhạc Hạc Xanh của Văn Dương Thành mơ ước truyền đạt cảm xúc và tình yêu thiên nhiên qua các con hạc đến với người thưởng thức tranh.
Một vài nhà phê bình đã chú ý đến yếu tố âm nhạc trong tranh Văn Dương Thành, mà đặc biệt là khi thăng hoa với hình tượng đàn hạc, bố cục luôn luôn có sự nhịp nhàng, chuyển động hình xoáy và quay trở lại xuất phát ban đầu, đàn hạc cất cánh dập dờn như những khuôn nhạc mà ta có thể nghe thấy rất nhiều giai điệu của gió, của hoa, cỏ dại, của đầm nước và lau sậy.
Ngoài ra, ta cũng cảm thấy hương thơm ngan ngát tỏa ra từ những khóm cỏ lác, đầm hoa súng, hoa sen, bèo lục bình,... Những hình ảnh, hương thơm, tiếng dộng của quê nhà xa xưa ngàn năm.
Những đám hoa, lá, cỏ dại được Văn Dương Thành tả bằng nhũng vệt bút vẩy thể hiện sự chuyển động đong đưa nhẹ nhàng hoặc dồn dập theo nhịp đập cánh của đàn hạc. Ta nhìn thấy những bông hoa trắng dập dờn ẩn hiện qua những khóm lá được thể hiện vừa trừu tượng, vừa bay bổng, vừa rất cụ thể từng khuôn hình.
Đến nay, Văn Dương Thành đã vẽ hơn 50 bức tranh về hồng hạc và cảm xúc vẫn trào dâng, Thành vẫn luôn tìm ra những motif mới và sẽ tiếp tục dùng nét bút, mảng màu của mình để thể hiện tình yêu thương đối với đàn chim hạc.
Ngoài chủ đề về hồng hạc, năm nay họa sỹ lại trở lại với Phố cổ Hà Nội với bức Phố Hồng, Ánh Trăng Trên Phố Hàng Da, Trăng Trên Chợ Hoa Ngày Tết, Phố Yên Phụ, ..., (sơn dầu,120x90cm, 1.2019), Văn Dương Thành chỉ dùng 2 màu, đó là các tông màu hồng và màu đen để tả cảnh phố phường ngược sáng dưới ánh trăng.
Nhìn kĩ sẽ thấy rất nhiều mái nhà trăm năm cũ, những cây cột điện nghiêng nghiêng, những mạng lưới điện giăng giăng chằng chịt, cả những ban công có con tiện nhỏ bé, mái hiên trĩu nặng lụp xụp, những cầu thang lộ thiên nhỏ hẹp chạy giữa những bể nước, ống máng nước mưa bằng sành nung, cả quần thể đó nhưng kể câu chuyện của bao mảnh đời, của nhiều thế hệ đã sống qua trong những ngôi nhà cũ kĩ này, chính màu thời gian đã làm nên sự quyến rũ và cái đẹp rất độc đáo, rất thương nhớ, hoài niệm.
Văn Dương Thành vẽ rất nhiều phố cũ Hà Nội do khi còn thơ bé, đã được gặp danh họa Bùi Xuân Phái, được ông dẫn đi vẽ Văn Miếu và những khu phố nhỏ. ông đã giúp cho Thành hiểu và yêu Hà Nội.
Không bị ảnh hưởng bởi người thầy tinh thần của mình, phố của Văn Dương Thành thường được vẽ trên toan khổ rộng, màu sắc rất mãnh liệt, bút pháp có khi như vũ bão kết hợp với những khoảng lặng màu êm ái. Tranh phố cổ của Văn Dương Thành cũng tràn đầy nhạc tính, tình yêu và sự sống, sự hồi sinh và niềm lạc quan.
Về ý định gì trong năm mới Ất Hợi 2019, Văn Dương Thành nói: "Là họa sĩ, tôi mong muốn sẽ luôn cầm bút và sáng tạo. Nguồn cảm và tâm tính thì không thay đổi, nhưng cách thể hiện hội họa thì mong rằng luôn có một nét gì mới lạ, và sẽ thể hiện được chân thực và sống động hơn những rung cảm mãnh liệt của mình với thiên nhiên, với kiến trúc và với con người”.
Ngoài mơ ước sáng tác, Văn Dương Thành cũng mong muốn sẽ có nhiều thời gian để chia sẻ cảm xúc hội họa đến với trẻ em, những người thiệt thòi, gây quỹ học bổng cho các sinh viên nghèo. Điều này làm cho chị tìm thấy sự bằng an trong tâm hồn và niềm vui khi được chia sẻ.