Vẫn dạy thêm, học thêm: Khó kỷ luật tích cực ​

TPO - Sẽ áp dụng hình thức kỷ luật tích cực, không đuổi học học sinh...là một trong những điểm mới được áp dụng từ tháng 10/2020. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục cho rằng, nhà trường khó có thể thực hiện khi giáo viên chưa được đào tạo, vẫn còn tình trạng dạy thêm, học thêm.
Học sinh lớp 6 ở Quảng Bình bị cô giáo phạt bằng hình thức cho tát 231 cái vào mặt năm 2018.

Dự thảo quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh trong cơ sở giáo dục phổ thông sẽ áp dụng từ tháng 10/2020 có nhiều điểm mới về kỷ luật. Trong đó, điểm mới nhất là Bộ GD&ĐT bỏ hình thức đuổi học, không phê bình trước lớp, trước trường nếu học sinh nếu vi phạm. Thay vào đó, học sinh được áp dụng hình thức kỷ luật tích cực. Giáo viên thu thập các thông tin, xác định nguyên nhân, tính chất, mức độ, hậu quả và đặc điểm tâm lý học sinh mắc khuyết điểm để có kế hoạch giáo dục giúp học sinh sửa chữa khuyết điểm.

Thông tư mới khác hoàn toàn với quy định hiện hành, có thể áp dụng hình thức như: khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, đuổi học từ 3 ngày đến 1 năm, cảnh cáo trước toàn trường…

Cô L.N.T, giáo viên 1 trường THPT tại Hà Nội cho biết, nhiều năm làm công tác chủ nhiệm khó có thể nói chưa từng mắng mỏ hay kỷ luật hà khắc với học sinh. Cô nhớ, có năm mới nhận chủ nhiệm lớp 10, 1 học sinh nam đến lớp chủ yếu để gây sự với các bạn và cô giáo, không học bài. Ban đầu, cô chỉ phê bình học sinh này trong giờ sinh hoạt lớp, dọa hạ hạnh kiểm năm học nhưng em này vẫn tỏ vẻ không sợ, trốn tiết, đi muộn liên tục.

Sau đó, cô đã mời bố mẹ lên nói chuyện thì bất ngờ vì mãi mẹ không chịu lên. Cuối cùng, tìm đến nhà cô giáo mới biết, gia đình học sinh này rất  lục đục, cũng không khá giả. Em bất mãn và luôn muốn chống đối để nhà trường đuổi học cho bố mẹ ân hận, quan tâm mình hơn. Khi hiểu được điều đó, cô giáo đã nhẹ nhàng quan tâm, chăm hỏi bài, khen ngợi kết quả học tập và học sinh này tiến bộ từng ngày. “Sau này ra trường nhiều năm, em đã trưởng thành và năm nào cũng về thăm cô giáo để tỏ lòng biết ơn”, cô T. nói. 

Bà Hoàng Thị Hiền, chuyên gia đào tạo giáo dục chuyên về phương pháp và kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh (Cty Giáo dục thế hệ đột phá X-GEN) nói rằng, bà rất ủng hộ những thay đổi khi kỷ luật học sinh. Trên thực tế, học sinh sẽ có giai đoạn thay đổi tâm lý và hành vi, vai trò giáo viên rất quan trọng.

Nếu giáo viên hiểu, chuyển hóa hành vi học sinh, vai trò người thầy rất quan trọng. Khi học sinh có biểu hiện nào đó bất thường, giáo viên phải tìm hiểu em đó có vấn đề gì hay không, quan tâm bằng tình yêu thương chứ không phải bới lỗi để bêu rếu trước lớp, trước trường. “Cách làm như vậy sẽ càng khiến học sinh bị tổn thương, thậm chí sang chấn tâm lý và có chiều hướng thay đổi theo hướng xấu đi như em sẽ chống đối, phạm lỗi lặp lại”, bà Hiền nói.

Coi học sinh "con cưng- con ghẻ". 

Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh - sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết, trước khi áp dụng Thông tư mới về khen thưởng, kỷ luật này, Bộ GD&ĐT đã tập huấn cho giáo viên các biện pháp giáo dục tích cực, phối hợp với các tổ chức quốc tế biên soạn những tài liệu trong đó hướng dẫn xử lý các tình huống liên quan. Công đoàn ngành cũng có tập huấn trường học hạnh phúc. 

Ngoài ra, hiện nay, có khoảng 70% trường học có phòng riêng hoặc phòng ghép tư vấn tâm lý cho học sinh. Thầy cô tham gia đã được trải qua khoá bồi dưỡng và cấp chứng chỉ.

Tuy nhiên bà Hoàng Thị Hiền cho rằng, trên thực tế, giáo viên thiếu kỹ năng, chưa được đào tạo bài bản về tâm lý lứa tuổi học sinh và cách xử lý trước các tình huống. Có những đợt Bộ GD&ĐT tập huấn cho giáo viên cốt cán tuy nhiên, khóa học quá ngắn, chỉ dừng lại ở mức “cưỡi ngựa xem hoa”, khi về đến địa phương lại rơi rụng, tam sao thất bản nên không hiệu quả. Một số giáo viên tập huấn về cầm tập tài liệu nhưng chưa hiểu. Vì thế, vẫn có những chuyện xảy ra như: giáo viên tát học sinh, giáo viên phạt quỳ, đánh học sinh; bêu tên học sinh trước toàn trường, bắt học sinh úp mặt vào tường vì không học thêm…

Thầy Lê Văn Dị, Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương 1 (Thanh Hóa) đồng tình với điểm mới kỷ luật không đuổi học học sinh vì dù học sinh phạm lỗi, nhà trường vẫn nên tìm biện pháp giáo dục, không đẩy học sinh ra ngoài xã hội. Tuy nhiên, ông cũng băn khoăn, khi học sinh phạm lỗi, trường áp dụng kỷ luật tích cực, bao dung, không xử phạt sẽ giảm tính răn đe. Ngoài ra, trường học chưa có điều kiện để thành lập phòng tư vấn tâm lý, mới chỉ có tổ tư vấn tâm lý tư vấn theo lớp, từng giờ học. Về đội ngũ, cơ bản mới chỉ có giáo viên dạy bộ môn giáo dục công dân còn đội ngũ chủ nhiệm có được tập huấn nhưng chưa bài bản”, ông Dị nói.

Một chuyên gia khác nói, khó có thể thực hiện được hình thức kỷ luật tích cực vì người thay đổi phương pháp trước hết phải là giáo viên. Từng là giáo viên dạy học ở 1 trường công lập, người này cho rằng vẫn tồn tại tình trạng giáo viên phân biệt học sinh giàu nghèo, chia phe học sinh thành “con cưng”- “con ghẻ”.

Ví dụ chuyện giáo viên vẫn kéo học sinh ra ngoài để dạy thêm, học sinh nào gia đình không có điều kiện học, dịp lễ tết, bố mẹ không có quà, con khó tránh khỏi ánh mắt, lời nói khó nghe của cô. Chưa kể, những học sinh có hoàn cảnh, có khi bố mẹ hay đánh nhau, nhậu nhẹt, tới trường lại bị cô giáo ghẻ lạnh, phạm lỗi bị ghi vào sổ đầu bài, bêu tên…Dần dần, học sinh đó bị chai lì cảm xúc, phản kháng, chống đối…trong lớp học. Nếu giáo viên không có kiến thức, kỹ năng sẽ khó để kỷ luật tích cực, chuyển hóa hành vi học sinh.