Văn bản công chứng có giá trị như bản án?

TP - Có nên nâng giá trị pháp lý của văn bản công chứng như một bản án, không cần ra toà án giải quyết khi một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình?

> Công chứng 'khống' bị phạt 50 triệu đồng?
> Văn bản công chứng sẽ có hiệu lực thi hành ngay

Việc sửa đổi Luật Công chứng đang theo hướng nâng giá trị pháp lý của văn bản công chứng, nhưng còn nhiều ý kiến băn khoăn. Ảnh: thanh hải.

Đó là một trong những nội dung quan trọng sửa đổi Luật Công chứng năm 2006 mà Bộ Tư pháp đang xin ý kiến cho lần sửa đổi này.

Lo ngại công chứng ẩu

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, sau hơn 5 năm thi hành Luật Công chứng, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã công chứng được khoảng 7 triệu việc, thu gần 2.600 tỷ đồng, đóng góp gần 1.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Cả nước hiện có 1.490 công chứng viên hoạt động ở 658 tổ chức hành nghề công chứng.

Cũng theo đánh giá của Bộ Tư pháp, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng cho thấy phạm vi công chứng còn bó hẹp, chưa tạo điều kiện cho người yêu cầu công chứng; giá trị pháp lý của văn bản công chứng còn thấp, chưa đủ thuyết phục để buộc các bên có nghĩa vụ thực hiện, dẫn đến còn nhiều tranh chấp xảy ra gây lãng phí cho người dân, tạo thêm gánh nặng cho toà án...

 Nếu công chứng “bừa” mà có tranh chấp, không có tòa án giải quyết thì dễ dẫn tới lại thi hành án “nhầm” hợp đồng, giao dịch đó, dẫn tới kiện tụng tranh chấp tiếp.

Ông Nguyễn Quốc Việt, nguyên Trưởng Văn phòng Công chứng Tây Đô

Về giá trị pháp lý của văn bản công chứng, ông Nguyễn Khái Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp (cơ quan chủ trì sửa đổi dự án Luật Công chứng) cho biết hiện có hai loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng nên cho phép trong trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thoả thuận về quyền được yêu cầu cưỡng chế thi hành nghĩa vụ mà một bên không thực hiện thì bên kia có quyền được yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền cưỡng chế thi hành hợp đồng, giao dịch đó.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng nên giữ nguyên quy định như Luật hiện hành, tức là cần phải ra tòa giải quyết khi một trong các bên vi phạm. “Bộ Tư pháp đồng tình với ý kiến thứ nhất. Việc nâng cao giá trị pháp lý của văn bản công chứng là rất quan trọng để giảm thiểu tranh chấp, giảm gánh nặng cho tòa án trong việc giải quyết các việc dân sự”- Ông Hưng cho biết.

Trao đổi với Tiền Phong về việc có nên nâng cao giá trị pháp lý của văn bản công chứng? Ông Nguyễn Quốc Việt, nguyên Trưởng Văn phòng công chứng Tây Đô (Hà Nội) băn khoăn và chưa đồng tình với loại ý kiến thứ nhất. Ông Việt cho rằng, việc cơ quan thi hành án tổ chức thi hành ngay văn bản công chứng theo yêu cầu của một bên trong giao dịch là chưa thực sự phù hợp trình độ phát triển của các tổ chức, đội ngũ công chứng viên hiện nay.

“Thực tế hoạt động trong thời gian vừa qua, nhiều nơi làm ồ ạt, chưa cẩn thận, đã có sai sót. Nhiều tài sản lớn như nhà cửa, ô tô khi làm công chứng đã bỏ qua các giấy tờ cần thiết. Nếu công chứng “bừa” mà có tranh chấp, không có toà án giải quyết thì dễ dẫn tới lại thi hành án “nhầm” hợp đồng, giao dịch đó, dẫn tới kiện tụng tranh chấp tiếp”- Ông Việt phân tích.

“Gom” các hợp đồng, giao dịch

Về quy định những hợp đồng, giao dịch phải công chứng, sửa đổi Luật dự kiến sẽ bổ sung, “gom” các hợp đồng, giao dịch phải công chứng, bao gồm: Hợp đồng, giao dịch về chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất; Hợp đồng, giao dịch về mua bán, tặng cho, thế chấp, đổi, góp vốn bằng nhà; Hợp đồng, giao dịch uỷ quyền có cho phép người nhận uỷ quyền được chuyển nhượng, định đoạt quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; Hợp đồng, giao dịch về tàu bay, tàu biển...

Hiện, việc quy định các loại hợp đồng, giao dịch phải công chứng đang nằm tản mát ở nhiều văn bản luật khác nhau (Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở...), dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng pháp luật. Ông Nguyễn Khái Hưng cùng quan điểm với ông Nguyễn Quốc Việt khi cho rằng, cần phải tập hợp hoá các quy định pháp luật liên quan đến công chứng.

“Việc quy định các hợp đồng, giao dịch trên phải công chứng là rất cần thiết do đây là những loại giao dịch liên quan đến những tài sản có giá trị lớn như nhà cửa, đất đai, tàu biển, tàu bay...Đây là những tài sản có nguy cơ xảy ra tranh chấp cao. Nếu không được công chứng thì rủi ro đối với các bên tham gia giao dịch là điều dễ xảy ra, tranh chấp phát sinh ngày càng nhiều”- Ông Việt nói.

Theo Báo giấy