Vai trò và khuyến cáo bổ sung Kali và Magnesi cho cơ thể khỏe mạnh

Theo ThS.BS. Nguyễn Văn Hiếu (Viện Tim mạch Quốc Gia, Bệnh viện Bạch Mai) Kali và Magie (hay Magnesi) là hai khoáng chất có vai trò rất quan trọng với cơ thể.

Vai trò của Kali:

Kali giúp điều hòa cân bằng nước và điện giải, tham gia vào quá trình điều hòa acid- base giúp duy trì hoạt động bình thường của các hệ tim mạch, cơ bắp, tiêu hóa, tiết niệu. Chế độ ăn giàu Kali giúp giảm huyết áp xuống, giảm nguy cơ rối loạn nhịp tim, giảm nguy cơ những cơn đau thắt ngực, cải thiện hiệu quả insulin với cơ thể. Bên cạnh đó, bổ sung đầy đủ kali cũng giúp cải thiện những dấu hiệu trầm cảm và chứng chán ăn.

Ngoài ra, Kali cũng giúp ích cho cơ thể sản xuất ra protein từ các amino acid và biến đổi glucose thành glycogen - nguồn năng lượng chủ yếu cho mọi hoạt động của cơ thể. Kali còn giúp ngăn chặn tình trạng mất xương do loãng xương, tình trạng làm cho xương dễ gãy ở người cao tuổi.

Ở lứa tuổi thiếu niên, khi cơ và xương đang tăng trưởng cũng như phụ nữ khi mang thai cần phải dùng chế độ ăn nhiều Kali mới đáp ứng được nhu cầu cơ thể những lúc đó, vì Kali rất cần thiết trong việc xây dựng hai hệ thống cơ và xương.

Kali và Magie là những khoáng chất quan trọng với cơ thể

Vai trò của Magie:

Magie là một trong những khoáng chất quan trọng với cơ thể, tham gia vào khoảng 300 phản ứng sinh hóa. Magie trong cơ thể tập trung ở xương (khoảng 60 - 75% tổng lượng, trong đó magie kết hợp với canxi và phốt pho giúp tạo xương). Lượng magie còn lại phân bố ở cơ bắp, những tổ chức mô mềm và một lượng rất nhỏ trong máu.

Về mặt tim mạch, Magie là một thành phần không thể thiếu với hoạt động chức năng của tim, có tác dụng làm giảm nhu cầu oxy của cơ tim khi nghỉ ngơi cũng như trong lao động và tập luyện; giúp tăng cường chức năng tim, giảm các rối loạn nhịp tim và phòng ngừa các bệnh tim mạch và hỗ trợ làm ổn định huyết áp.

Ngoài ra, nguyên tố dinh dưỡng Magie còn là thành phần của nhiều loại enzyme với chức năng điều hòa nhiều quá trình khác nhau của cơ thể, điều hòa nhu động ruột và tham gia vào chu trình phân hủy glucose, acid béo và các acid amin trong toàn bộ quá trình chuyển hóa năng lượng. Magie còn có tác động kích thích hệ miễn dịch.

Điều gì xảy ra khi thiếu hụt Kali, Magie?

Với vai trò quan trọng của Kali và Magie nói trên, sự thiếu hụt các khoáng chất này sẽ dẫn tới nhiều hậu quả cho sức khỏe mà đôi khi rất nguy hiểm. Trong thực tế, nhiều bệnh nhân bị thiếu hụt hai khoáng chất này và cần nhanh chóng điều trị.

Thiếu hụt Kali:

●       Hạ Kali máu có thể gây nguy hiểm, là một trong những cấp cứu tim mạch thường gặp. Hạ Kali máu đặc biệt nguy hiểm đối với những bệnh nhân sẵn có những bệnh lý tim mạch, hô hấp mạn tính như suy tim, tiền sử nhồi máu cơ tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...

●       Các biểu hiện của hạ Kali máu chủ yếu ở hệ thống tim mạch và thần kinh cơ.

●       Hạ Kali máu có thể gây ra rối loạn nhịp tim, giảm co bóp cơ tim, có thể liệt cơ hô hấp, liệt tứ chi.

Thiếu hụt Magie:

●       Xơ vữa động mạch và tăng huyết áp: Magie có tác dụng giúp giãn mạch máu và hỗ trợ vận chuyển Kali, giúp cho thành mạch máu mềm mại, do đó huyết áp ổn định. Khi cơ thể bị thiếu Magie, nguy cơ sẽ dẫn đến tăng huyết áp. Đồng thời Magie thấp có thể là nguyên nhân khiến cho các động mạch bị vôi hóa. Do đó, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đặc biệt là thiếu máu cơ tim và đột quỵ não.

●       Ảnh hưởng giấc ngủ: Magie có tác dụng duy trì chức năng cho một số thụ thể ở não, cho phép não chuyển đổi trạng thái thoải mái hơn và đi đến giấc ngủ dễ dàng hơn.

●       Mệt mỏi, suy giảm năng lượng: Magie là khoáng chất rất cần thiết trong quá trình sản xuất năng lượng adenosine triphosphate (ATP) trong tế bào, giúp cơ thể luôn trong trạng thái minh mẫn, khỏe mạnh.

●     Ảnh hưởng đến cấu tạo xương: Magie và Canxi rất quan trọng đối với sức khỏe của xương. Magie tạo điều kiện cho quá trình hấp thu canxi của vitamin D

Người dễ thiếu Kali, Magie:

Những trường hợp thiếu kali, Magie, việc bổ sung sớm các khoáng chất này sẽ giúp cơ thể phục hồi sức khỏe nhanh chóng.

● Vận động thể lực nhiều như chơi thể thao, vận động viên, hoạt động dưới nắng nhiều làm mất điện giải hay trong các trường hợp cảm sốt, sốt do virus.

● Chế độ ăn dễ thiếu hụt kali, magie: người đang theo chế độ ăn kiêng, nguồn cung cấp K, Mg có thể không đủ.

● Độ tuổi 45 trở lên có nguy cơ tim mạch.

● Đang dùng glucocorticoid.

● Đau cơ, cứng cơ, chuột rút thường xuyên.

● Dùng viên uống tránh thai hàng ngày.

● Cảm sốt hoặc sốt cao.

● Đái tháo đường (khi không có chống chỉ định).

Các nhóm đối tượng cần bổ sung kali và magie

Lưu ý trong bổ sung Kali và Magie

 

Lượng kali, magie cần cung cấp cho cơ thể hàng ngày (theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO): Kali 90 mmol/ngày (3510 mg/ngày). Magie 310 - 400 mg/ngày. Tăng cường bổ sung Kali, Magie từ thức ăn ở người lớn để: Giảm huyết áp, giảm nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ não, bệnh lý động mạch vành. Đồng thời hồi phục sức khỏe nhanh chóng với nhóm thiếu hụt khoáng chất này.

Cách bổ sung:

●       Qua đường thức ăn: Các thực phẩm giàu kali và magie như bơ, đậu, khoai lang, cá hồi, chuối, củ cải… Tuy nhiên, lượng Magie đưa vào qua thức ăn hiệu quả chỉ bằng 1/25 lượng kali đưa vào. Chế biến thức ăn làm mất 70% lượng Magie.

●       Một cách khác là bổ sung Kali, Magie dưới dạng muối hữu cơ (glutamate, aspartate, citrate) sẽ dễ hấp thu và có mùi vị dễ chịu hơn so với các dạng muối vô cơ (clorid, carbonate, sulfate): Phù hợp với nhóm bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, hoặc đang thiếu hụt Kali, Magie nhiều.

Lợi ích của bổ sung kali và magie trong phòng bệnh tim mạch