> Triều Tiên có bộ trưởng Quốc phòng mới
Space.com, trang thông tin của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đưa ra năm câu hỏi và một số giải đáp liên quan đến kế hoạch phóng vệ tinh mang tên lửa của Triều Tiên.
Triều Tiên phóng vệ tinh hay tên lửa đạn đạo?
Tuần trước, Triều Tiên đã đưa tên lửa Unha-3 lên bệ phóng và cho phép hơn 30 nhà báo quốc tế vào khu vực bệ phóng thị sát. Triều Tiên nhấn mạnh muốn chứng minh những thành tựu kỹ thuật của họ và vì mục tiêu hòa bình. Đồng thời, “sức mạnh không gian của Triều Tiên đang hướng tới tiêu chuẩn quốc tế bằng việc đẩy mạnh phát triển lĩnh vực khoa học công nghệ tiên tiến nhất”, theo kênh truyền hình trung ương KCNA.
Tuy nhiên, các nhà quan sát Mỹ, Nhật và Hàn cho rằng vụ phóng tên lửa Unha-3 là một hình thức ngụy trang của Triều Tiên. Vụ phóng tên lửa tới đây sẽ như là một bài kiểm tra để xác minh công nghệ vũ khí quân sự.
Tuyên bố của Triều Tiên về kế hoạch phóng tên lửa từ hồi tháng ba được xem như là một động thái “hiếm có” và khiêu khích bởi trước đó, Triều Tiên và Mỹ đã có thỏa thuận ngừng hoạt động tên lửa và hạy nhân để đổi lấy lương thực.
Nhiệm vụ của tên lửa là gì?
Tên lửa Unha-3 được đặt trên bệ phóng, cách mặt đất 30 m và sẽ được phóng ở Tongchang-ri, bắc Triều Tiên. KCNA miêu tả Trạm truyền hình vệ tinh Sohae nằm ở huyện Cholsan, tỉnh Bắc Phyongan.
Unha- 3 còn được gọi là Kwangmyongsong-3. Triều Tiên gọi vệ tinh mang tên lửa sắp phóng này là vệ tinh thời tiết bởi nó tác động mạnh tới tài nguyên thiên nhiên và thời tiết.
Đường bay của tên lửa về phía nam. Tầng đầu tiên của tên lửa sẽ rơi xuống Hoàng Hải và tầng thứ ba rơi xuống vùng biển quanh Philippines. Trước đó, Hàn Quốc tuyến bố sẽ bắn hạ tên lửa nếu tên lửa đi lạc đường.
Khó khăn nào đối với tên lửa Triều Tiên để đạt tới quỹ đạo?
Ngoài những sự cố về mặt kỹ thuật, vị trí địa lý của Triều Tiên cũng là một cản trở trong việc khởi động tên lửa vào không gian.
Triều Tiên nằm ở vĩ độ 39,4 độ vĩ bắc đường xích đạo. Theo NASA, vị trí phóng vệ tinh càng gần đường xích đạo thì khả năng mang khối lượng lên quỹ đạo càng dễ do lực đẩy được cộng thêm vận tốc quay của Trái đất.
Bệ phóng của Triều Tiên nằm cách đường xích đạo khoảng 4.300 km sẽ làm cho vệ tinh khó có thể đạt được độ nghiêng quỹ đạo mà một số nước khác sử dụng.
Hơn nữa, Triều Tiên nằm khá gần với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Philippinies nên tầm phóng của tên lửa hướng ra biển tương đối khó khăn.
Triều Tiên sẽ thành công hay thất bại trong lần phóng này?
Đây là lần phóng đầu tiên của tên lửa Unha-3 cho nên thành công hay thất bại là điều rất khó đoán được. Tuy nhiên, hai lần phóng tên lửa trước của Triều Tiên đã chạm tới quỹ đạo.
Lần phóng vệ tinh năm 1998, Triều Tiên sử dụng tên lửa Taepodong-1, dài 25m mang theo vệ tinh nhỏ Kwangmyongsong-1. Trong khi các quan chức Triều Tiên khẳng định là vụ phóng đó đã thành công thì các nước phương Tây khẳng định không có dấu hiệu thấy vệ tinh của Triều Tiên đạt tới quỹ đạo.
Tháng 4-2009, Triều Tiên lại phóng tên lửa lần hai, lần này là tên lửa Kwangmyongsong-2 với phiên bản tiên tiến tên lửa Taepodong-2, phóng về phía Thái Bình Dương. Tầng thứ ba của tên lửa đã tự đốt cháy như kế hoạch và các nhà lãnh đạo Triều Tiên khẳng định vụ phóng thứ hai này cũng đã thành công, như vụ phóng lần thứ nhất.
Tuyên bố kết quả phóng tên lửa bằng cách nào?
Thứ nhất, nếu Triều Tiên phóng thất bại, thông tin này sẽ được giới quan sát quốc tế theo dõi và thông báo chứ không phải Triều Tiên thông báo trên kênh truyền hình. Thứ hai, nếu thành công chắc chắn Triều Tiên sẽ đưa ra một thông báo chính thức trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong vụ phóng tên lửa lần thứ ba này, Triều Tiên đã cho phép các nhà báo quốc tế vào thị sát, một động thái chưa bao giờ Triều Tiên thực hiện. Tuy nhiên, đến nay thời gian phóng vệ tinh mang tên lửa Unha-3 vẫn chưa được xác định.
Nguyễn Thủy