Vaccine chống ung thư cổ tử cung

TPO - Theo tính toán của các nhà khoa học Mỹ, việc sử dụng vaccine liều cao có thể làm cho tỷ lệ ung thu cổ tử cung giảm xuống một nửa ở phụ nữ trong độ tuổi trên 45.

Tại cuộc họp của Hiệp hội Vi sinh và Bệnh truyền nhiễm Mỹ tổ chức hồi cuối tuần qua ở Washington, TS Warner Huh thuộc ĐH Alabama khẳng định tiêm vaccine cho phụ nữ độ tuổi từ 12 – 45 để chống lại virus gây ra khối u ở cổ tử cung, hay còn gọi là HPV, có thể giảm đến 85% số ca ung thư cổ tử cung ở nữ giới 12 tuổi và giảm đến 55% số ca ung thư ở phụ nữ độ tuổi 45.

Tiêm vacccine cũng thể giảm từ 34 – 67% số ca ung thư cổ tử cung ở phụ nữ độ tuổi 25.

TS Warner Huh cũng nói rằng để có tỷ lệ ung thư cổ tử cung giảm như trên, số phụ nữ đi tiêm vaccine phòng bệnh trong những lứa tuổi nêu trên phải đạt 100%. Điều này rất khó có thể thực hiện ngay cả ở Mỹ. Hầu hết số ca ung thư cổ tử cung là do sự lây lan của virus HPV qua đường tình dục.

Hiện nay, loại vaccine chống ung thư cổ tử cung được sử dụng rộng rãi là Gardasil của tập đoàn Merck and Co. Vaccine này có tác dụng chống lại virus HPV chủng 16 – 18, vốn được biết đến như thủ phạm gây ra 70% số ca ung thư cổ tử cung. Merck và Co's Gardasil cũng có tác dụng chống lại HPV chủng 6 và 11, gây ra những mụn nhỏ ở cơ quan sinh dục phụ nữ.

Tại Mỹ, Gardasil được phép sử dụng đối với nữ giới trong độ tuổi từ 9 – 26. Tuy nhiên Merck đang đề xuất cơ quan chức năng ở Mỹ cho phép sử dụng đối với những phụ nữ lớn tuổi hơn. Lý do là vì thiếu nữ phải được tiêm vaccine trước khi họ quan hệ tình dục vì HPV là loại virus rất dễ lây lan qua đường này.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất cũng khuyến cáo những vaccine trên không có tác dụng đối với những bệnh nhân đã nhiễm virus HPV các chủng.

Một loại vaccine chống ung thư cổ tử cung nữa cũng được các nhà khoa học nhắc đến là Cervarix của tập đoàn dược GlaxoSmithKline. Không được phép sử dụng ở Mỹ, nhưng vaccine này lại được sử dụng rộng rãi ở châu Âu.

H.H
Theo Reuters