V-League suy thoái: khi bóng đá là khoản nợ xấu

Làm bóng đá là một cuộc chơi cực kỳ tốn kém, nhất là khi các CLB đua nhau đẩy giá mua cầu thủ và các khoản lương thưởng, tạo thành một cuộc chạy đua tiền bạc điên rồ. Để đáp ứng cho xu hướng đó, các ngân hàng xuất hiện tại V.League ngày càng nhiều với vai trò nhà tài trợ, chủ sở hữu gắn tên ngân hàng với đội bóng, thậm chí là tên giải đấu.

> T&T và SHB thoái vốn khỏi bóng đá

> SLNA & Ngân hàng Bắc Á: Cuộc "hôn nhân" gượng ép

 

Làm bóng đá là một cuộc chơi cực kỳ tốn kém, nhất là khi các CLB đua nhau đẩy giá mua cầu thủ và các khoản lương thưởng, tạo thành một cuộc chạy đua tiền bạc điên rồ. Để đáp ứng cho xu hướng đó, các ngân hàng xuất hiện tại V.League ngày càng nhiều với vai trò nhà tài trợ, chủ sở hữu gắn tên ngân hàng với đội bóng, thậm chí là tên giải đấu.

Cầu thủ Thành Lương.
 

Song, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế sâu và rộng này, mối duyên bóng đá-ngân hàng cũng lao đao. Khi đó, các CLB sẽ trở thành những khoản “nợ xấu” bởi giới chủ ngân hàng chỉ giỏi bắt tiền đẻ tiền chứ chưa biết bắt bóng đá đẻ tiền.

Ra ngõ gặp...ngân hàng

Sau những thời kỳ phụ thuộc vào các tập đoàn sản xuất đa lĩnh vực như Hòa Phát, Đồng Tâm Long An hay Hoàng Anh Gia Lai, là đến giai đoạn ngành ngân hàng đang phủ một cái bóng rất lớn lên đời sống bóng đá Việt Nam. Thống kê chưa đầy đủ nhưng có tới hơn một nửa trong tổng số 14 đội bóng ở V.League phụ thuộc hoàn toàn hoặc gắn bó hữu cơ với các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính, tín dụng.

Đội Vô địch và Á quân V.League 2012 SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T bấy lâu nay dùng chung “bầu sữa” là túi tiền của bầu Hiển, người khởi đầu từ ngành công nghiệp nhưng thành công và thành danh trong lĩnh vực tài chính khi đang là chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB và Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T.

Đội xếp hạng Ba là Sài Gòn Xuân Thành thuộc quyền sở hữu của bầu Thụy. Logo quảng cáo trên áo đấu của đội bóng này là Bảo hiểm Xuân Thành, một lĩnh vực kinh doanh tài chính mới của bầu Thụy sau khi ông chủ gốc Ninh Bình này nổi lên từ lĩnh vực xây dựng và bất động sản.

Còn tính đến hết năm 2012, SLNA đã có 3 mùa giải gắn bó cùng Ngân hàng Bắc Á. Phiên hiệu của Navibank Sài Gòn tự nó cũng nói lên mối liên quan với Ngân hàng Nam Việt. Tương tự là trường hợp của Kienlongbank Kiên Giang.

 

Đội bóng mang dấu ấn đậm nét nhất của ngành ngân hàng là Hà Nội ACB nay là CLB Bóng Đá Hà Nội.

Với sự tác động của bầu Kiên, ACB là ngân hàng đầu tiên gắn thương hiệu vào lĩnh vực bóng đá để rồi mở ra trào lưu bóng đá-ngân hàng hiện nay. Thậm chí, giải VĐQG có tên đầy đủ là Eximbank V.League xuất phát từ gói tài trợ 30 tỷ đồng/mùa của Eximbank.

Bầu sữa hết ngọt

Bất chấp hoàn cảnh khó khăn của nền kinh tế vài năm qua khiến rất nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ và phá sản, những số liệu mới được công bố của Ngân hàng Nhà nước cho thấy ngân hàng và tài chính vẫn là những lĩnh vực làm ăn có lãi.

Cụ thể, tính đến hết ngày 31/7/2012, tổng tài sản của các tổ chức tín dụng đạt 4,999 triệu tỷ đồng, tăng 93.112 tỷ đồng, tương đương gần 2% so với một tháng trước đó. Còn so với ngày 30/4, tổng tài sản của hệ thống ngân hàng VN tăng thêm 130.378 tỷ đồng, tương ứng 2,68%. (Theo VnEconomy).
Cuối tháng 6/2012, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, hệ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) quý 2 năm 2012 của các tổ chức tín dụng là 3,96%. Và trong báo cáo cập nhật đến ngày 31/7, ROE đã cải thiện hơn khi đạt 4,14%. (Theo VnEconomy)

 

Song, như đã nói, kể cả khi vẫn ăn nên làm ra thì các ngân hàng cũng không thể nằm ngoài cơn suy thoái chung.

VnEconomy, trích dẫn từ báo cáo của Ngân hàng nhà nước, cho biết tính đến hết năm 2011, 50% các tổ chức tín dụng có lợi nhuận giảm so với năm 2010; trong đó, hơn 10% kinh doanh thua lỗ. Còn tỷ lệ nợ xấu thì vẫn tiếp tục tăng lên, đặc biệt là trong các tháng cuối năm 2011, đầu năm 2012.

Điều đó có nghĩa rằng, ngay cả khi vẫn có lãi thì nguồn sữa từ các ngân hàng dùng để nuôi bóng đá cũng không còn dồi dào như trước.

Lợi nhuận của SHB tính đến hết tháng 6/2012 đạt mức khoảng 250 tỷ đồng. Song mức lợi nhuận này cũng chỉ đủ nuôi... 4 đội bóng ở cả V.League mà thôi. So sánh như thế để thấy rằng làm bóng đá tốn kém như thế nào.

Đương nhiên, SHB không thể dùng toàn bộ nguồn sữa lợi nhuận đổ hết vào bóng đá bởi họ còn nhiều khoản đầu tư khác. Thế nên, trong một động thái mới nhất, sau khi chuyển giao suất V.League của CLB Hà Nội cho Hải Phòng, bầu Hiển cũng tính đến cả khả năng chuyển giao nốt Trẻ SHB Đà Nẵng.

Ngân hàng Bắc Á sau 3 mùa bén duyên cùng bóng đá xứ Nghệ giờ có lẽ cũng bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và bày tỏ quan điểm “Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm”, khi chỉ muốn đầu tư cho đội một, các tuyến trẻ sẽ trả về cho Sở VH-TT&DL tỉnh Nghệ An.

Thậm chí, sau scandal Huy Hoàng “lắc lư” trong xe ô tô, cũng đã có rất nhiều ý kiến lo lắng Ngân hàng Bắc Á sẽ rút đầu tư khỏi SLNA khi hình ảnh của nhà tài trợ bị ảnh hưởng.

 

Nhưng bết nhất ở thời điểm này, ngoài 2 đội bóng của bầu Kiên mù mịt về tương lai sau khi ông chủ vướng vào vòng lao lý, phải kể đến Navibank Sài Gòn. Không biết có mối liên quan nào không giữa chuyện Navibank nằm trong nhóm các ngân hàng có lợi nhuận thấp nhất năm 2011 (khoảng 200 tỷ đồng - theo VnEconomy) với thông tin giới chủ rậm rịch bỏ bóng đá.

Toàn đội đang như rắn mất đầu khi ông chủ Nguyễn Vĩnh Thọ “biến mất”, khoản tiền thưởng cho chuỗi 10 trận hòa và thắng ở V.League 2012 vẫn chưa được thanh toán.

Thế nên, nếu nhìn bóng đá qua lăng kính kinh doanh và quản trị, nó chính là khoản nợ cực xấu, không sinh lời mà càng ngày càng ngốn tiền. Giới chủ ngân hàng vẫn bất lực trước câu hỏi làm thế nào để bắt bóng đá đẻ ra tiền, dù chỉ để nuôi chính nó.

V.League chưa đẻ ra tiền còn các CLB thì giống như những con tầu há mồm khổng lồ nên “người mẹ” dù có bầu sữa dồi dào đến mấy rồi cũng đến lúc kiệt sức khi đứa con ở tuổi 12, 13 vẫn cứ chằm chặp bú mút. Không ngạc nhiên khi đến hồi khó khăn, những “đứa trẻ lâu năm” ấy sẽ bị coi là của nợ!

Theo Vũ Minh
Bongdaplus

Theo Đăng lại