V-League cần có câu trả lời cho bầu Đức

TP - Giải bóng đá VĐQG có thể trông đợi thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp đầu tư vào bóng đá nếu họ được đảm bảo cạnh tranh trong một môi trường sòng phẳng, công bằng và minh bạch. 
Ông bầu Đoàn Nguyên Đức đã có những phát biểu gây tranh cãi trong buổi ký hợp đồng đưa Công Phượng sang Bỉ thi đấu. Ảnh: Ngôi sao

“Tôi dám khẳng định bóng đá Việt Nam không đội nào vô địch được, kể cả TP Hồ Chí Minh. TP Hồ Chí Minh mà vô địch, mất gì tôi cũng mất. Tại vì sao ư, một mình họ sao đá lại 5 đội kia. Dù có ốm mấy đi chăng nữa, 5 người ốm đánh một người mập cũng chết thôi”. Đây là phát biểu của bầu Đức trong lễ ký hợp đồng của Công Phượng với CLB Bỉ, Sint-Truidense ở TP Hồ Chí Minh vừa qua.

Dù ông Đức không nêu cụ thể, nhưng phát biểu trên lập tức được liên hệ với câu chuyện “một ông chủ, nhiều đội bóng” ở V-League gắn liền với ông bầu Đỗ Quang Hiển. 

Phát biểu của bầu Đức lập tức gây nhiều ý kiến tranh luận khác nhau. Có một điều chắc chắn, hình ảnh và thương hiệu của V-League sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên cho tới lúc này thì cả LĐBĐVN (VFF), VPF và phía bầu Hiển đều không đưa ra phản ứng nào. Ở đây chỉ xin nêu lại mấy vấn đề. 
Năm 2012, Thanh tra Bộ VH-TT&DL từng vào cuộc để tìm hiểu mối quan hệ giữa bầu Hiển với 2 CLB SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T (tiền thân CLB Hà Nội). Tuy nhiên kết quả sau đó không thể kết luận bầu Hiển vi phạm Quy chế bóng đá chuyên nghiệp.

Trước đó, bầu Hiển đã tuyên bố kiến nghị để Tập đoàn T&T và ngân hàng SHB thoái vốn khỏi Công ty cổ phần thể thao T&T và Công ty Cổ phần thể thao SHB Đà Nẵng. Kết luận của Thanh tra Bộ đã chấm dứt những tranh cãi liên quan tới câu chuyện “anh em” giữa Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng. Sau 7 năm, số lượng đội bóng được giới bóng đá quy cho là thuộc “gia đình T&T” còn tăng lên với sự góp mặt của Quảng Nam và Sài Gòn FC, cho dù không có cơ sở pháp lý cụ thể nào về việc nay. 

Trong 7 năm qua, một loạt câu chuyện khác có liên quan cũng đã xảy ra. Năm 2012, Xuân Thành Sài Gòn để mất cúp vô địch V-League vào tay SHB Đà Nẵng và ông bầu Nguyễn Đức Thụy sau đó “tố” đội bóng của mình đã bị Hà Nội T&T kìm chân trên sân Thống Nhất để tạo điều kiện cho SHB Đà Nẵng đăng quang. Cụ thể dù thắng sẽ vô địch nhưng Hà Nội T&T bị đánh giá đã chủ động chơi phòng ngự, không chịu tấn công. 

Trước khi vướng vòng lao lý, năm 2012 bầu Kiên cũng từng muốn đưa câu chuyện “một ông chủ, nhiều đội bóng” ra VPF và VFF. Năm 2014, Chủ tịch VPF là ông Võ Quốc Thắng (TGĐ VPF là ông Cao Văn Chóng) từng cho biết sẽ giao một thành viên HĐQT làm việc với bầu Hiển về vấn đề này, nhưng sau đó không thông báo nào được đưa ra. Gần nhất sau mùa giải 2017, ông bầu FLC Trịnh Văn Quyết khi ngừng tài trợ cho đội bóng Thanh Hóa đã nêu nhiều lý do, trong đó gồm việc “chỉ có 1 đội nên không thể vô địch”. Và vừa qua chính là phát ngôn của bầu Đức mà ai cũng hiểu nhằm nói tới chuyện gì. 

Cần nói thêm trước thềm Đại hội 8 VFF, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải trên một tờ báo từng đặt dấu hỏi về câu chuyện có hay không “một ông chủ, nhiều đội bóng”. Để làm rõ vấn đề này chắn chắn cần thông qua các cơ sở pháp lý, quy chế bóng đá chuyên nghiệp cụ thể mà chỉ VFF hay VPF sẽ không đủ khả năng để thực hiện. Tuy nhiên, đây có lẽ là công việc cần thiết, vừa để bảo vệ uy tín, hình ảnh giải đấu, và cũng là “minh oan” cho bầu Hiển. Sẽ không công bằng với bầu Hiển nếu thực sự không có chuyện ông chi phối tới nhiều đội bóng.

V-League sẽ có hy vọng thu hút được nhiều doanh nghiệp, nhà tài trợ hơn nếu họ được đảm bảo và tin vào một môi trường công bằng, minh bạch. Trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang đạt nhiều thành tựu, đây càng là một yêu cầu quan trọng.