> Trí thức trẻ làm Phó chủ tịch xã bị trả thù, cô lập?
> Toàn bộ nội dung chương trình giao lưu trực tuyến về vấn đề này
Sau gần một năm trí thức trẻ "vào vai" phó chủ tịch (PCT) xã tại 63 huyện nghèo nhất cả nước, sáng 26/6 tại Hà Nội, Bộ Nội vụ, T.Ư Đoàn phối hợp tổ chức sơ kết Dự án 600 phó chủ tịch xã. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình; Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh, lãnh đạo các bộ, ngành địa phương.
Tính đến ngày 1/10/2012, Bộ Nội vụ hoàn thành công tác chọn 580 đội viên dự án, đưa về 20 tỉnh. Có hàng chục chuyên ngành đào tạo nhưng khi về làm PCT các xã nghèo, họ được phân công chủ yếu 2 lĩnh vực: Kinh tế có 322/580 đội viên (chiếm gần 56%); số còn lại, 258 đội viên được phân công phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội (chiếm 44%).
Với các xã nghèo nhất nước, việc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất cho người dân trở thành yêu cầu quan trọng nhất nên có nhiều trí thức trẻ dù không được đào tạo chuyên môn về kinh tế, quản lý vẫn được địa phương tin tưởng giao phụ trách lĩnh vực mà người dân vẫn gọi "mang lại no ấm cho bà con".
Tốt nghiệp ĐH Văn hoá, Đặng Phúc Long, Phó Chủ tịch xã Phình Hồ, Trạm Tấu (Yên Bái) được giao phụ trách kinh tế, nông lâm nghiệp. Làm trưởng ban chỉ đạo sản xuất, Long chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân gieo cấy lúa, ngô, đặc biệt là chuyển đổi diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô hai vụ; trực tiếp chỉ đạo triển khai tuyến đường giao thông của xã...
Với mong muốn giúp dân thoát nghèo, Long tìm hiểu điều kiện khí hậu, đất đai, mạnh dạn tham mưu chính quyền xã trồng thử nghiệm cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như cây đương quy, đẳng sâm, cây khôi.
"Để tạo được niềm tin ở người dân, mình phải là người đầu tiên thực hiện đạt kết quả. Không có hành động, lời nói nào thiết thực hiệu quả bằng chính việc làm thực tế của mình. Hiện tôi chăm sóc 100 cây khôi, 1.000 cây quế, tìm đầu ra cho sản phẩm, nhân rộng mô hình và hướng dẫn bà con trồng đại trà", Long cho biết.
"Các PCT xã phải nắm sâu, nắm chắc nhiệm vụ, định hướng phát triển của xã, huyện, tỉnh. Muốn phấn đấu vượt qua khó khăn, có ý chí lớn, các bạn phải hoàn thành từ việc nhỏ. Uy tín của trí thức trẻ chỉ có được từ hiệu quả công việc".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Long chia sẻ, dù tốt nghiệp chuyên ngành gì, khi về với địa phương nghèo đòi hỏi người làm lãnh đạo phải am hiểu kiến thức nhiều lĩnh vực, có khả năng giải quyết nhiều vấn đề. Do vậy, bắt buộc các trí thức trẻ phải nỗ lực học tập, trau dồi thêm kiến thức; Tự tin, học hỏi để thực sự nhập cuộc chứ không thể làm việc với tinh thần thử nghiệm.
Nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch xã Ba Điền, Ba Tơ (Quảng Ngãi) với 98% dân số người dân tộc Hre, nơi diễn biến "bệnh lạ" viêm da sừng lòng bàn tay, bàn chân phức tạp, Nguyễn Anh Khoa (SN 1986) tự nhủ phải tạo thói quen công việc có trách nhiệm cao với ý chí nỗ lực không ngừng.
Ngay ngày đầu nhậm chức, Khoa xây dựng đề án "Xây dựng hệ thống nước sinh hoạt tự chảy xã Ba Điền" và được chính quyền thông qua, UBND xã lập tờ trình xin kinh phí. Đề án được Bộ NN&PTNT cấp kinh phí thực hiện, đang xây dựng hệ thống và đem lại nguồn nước sạch phục vụ nhân dân trong xã.
Được phân công phụ trách kinh tế, Anh Khoa thường xuyên tiếp xúc với người dân, nghiên cứu các chính sách và hoàn thành đề án được nhân dân địa phương đánh giá cao: "Xây dựng Nông thôn mới xã Ba Điền giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020".
Trong thời gian công tác, nhận thấy việc cải cách hành chính cơ sở còn nhiều bất cập, Khoa xây dựng đề án "Ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính tại cơ sở giai đoạn 2013 - 2020", được UBND xã phê duyệt, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp... Sau một năm, Khoa được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được kết nạp Đảng.
Tuyển chọn cán bộ từ thực tiễn
Ông Giàng A Tính, Bí thư Huyện ủy Sìn Hồ (Lai Châu) nơi có 18 xã được bổ sung PCT xã nêu thực tế các xã vùng cao đặc biệt khó khăn, dân trí thấp, một số người dân còn ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước...nên chuyển biến trong công việc của các PCT xã trong một năm còn gặp nhiều khó khăn. Một số xã chưa dễ dàng chấp nhận tư tưởng người trẻ nơi khác làm PCT xã mình.
"Không nên kỳ vọng và đòi hỏi quá cao đối với các PCT xã trong thời gian công tác chưa nhiều, đặc biệt là tại những địa phương còn gặp nhiều khó khăn, địa hình hiểm trở. Ngược lại, các PCT xã không vì tuổi đời còn trẻ mà ngại va chạm, cần mạnh dạn, kiên quyết thể hiện vai trò của mình trong triển khai công việc", ông Tính nói.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho rằng, các cấp ủy, chính quyền địa phương phải nhận thức PCT xã là làm việc thực sự chứ không phải làm thử. Đó là cơ hội khẳng định trình độ, năng lực và tâm huyết của trí thức trẻ, qua đó giúp địa phương tìm được cán bộ có năng lực.
Chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại mục đích của dự án nhằm tăng cường nguồn nhân lực trẻ được đào tạo về tham gia lãnh đạo, quản lý tại 63 huyện nghèo góp phần xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Thủ tướng yêu cầu chính quyền các địa phương tạo môi trường, điều kiện để các trí thức trẻ được đào tạo, có môi trường khẳng định mình, qua đó cống hiến, trưởng thành; góp phần đào tạo, tuyển chọn cán bộ từ thực tiễn cho Đảng, Chính phủ và hệ thống chính trị các cấp.
Chia sẻ, giao nhiệm vụ với các PCT xã, Thủ tướng yêu cầu họ phải tự tin hơn trong thực hiện nhiệm vụ của mình, gắn bó hơn với tập thể, lắng nghe và yêu thương nhân dân, mạnh dạn triển khai các dự án mang lại lợi ích cho người dân.