USD là 'vịnh tránh bão' tốt hơn vàng nếu xung đột thương mại

Xung đột thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đang giúp củng cố sức mạnh cho giới đầu cơ giá lên đồng USD - Bloomberg cho hay.
Giá vàng đang chịu áp lực giảm từ đồng USD mạnh.

Theo hãng tin này, thay vì vàng, các nhà đầu tư toàn cầu đang xem đồng bạc xanh là một "vịnh tránh bão" để phòng nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bốn tháng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gây sốc với tầm nhìn về áp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, giới đầu tư đang phát hiện ra những chất xúc tác giúp đồng USD chống chọi tốt hơn với bất ổn thương mại so với vàng.

"Đồng USD đã trở thành đích đến chính của các nhà đầu tư muốn tìm kiếm sự an toàn", ông Ole Hansen, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa cơ bản thuộc Saxo Bank A/S, nhận định. "Rủi ro địa chính trị đang tăng, trái phiếu và cổ phiếu bị bán tháo, trong khi giá vàng tiếp tục giảm sâu hơn".

Thuế quan mà Mỹ áp lên hàng nhập khẩu có thể sẽ giúp Mỹ giảm thâm hụt tài khoản vãng lai, giữa lúc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất. Sự kết hợp này tạo ra một cơ hội hiếm thấy. Trong bối cảnh như vậy, đồng USD vừa có thể được sử dụng làm tài sản an toàn, vừa có thể được dùng để kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade) - theo ông Andreas Steno Larsen, chiến lược gia tiền tệ toàn cầu thuộc Nordea Bank AB ở Copenhagen.

Do vàng được định giá bằng USD, theo quy luật thường thấy, đồng USD càng mạnh thì giá vàng càng yếu và ngược lại. Tuần trước, giá vàng khép lại nửa đầu năm giảm giá tệ nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Diễn biến giá vàng (đường màu trắng) và tỷ giá đồng USD (đường màu xanh) với mốc tham chiếu vào thời điểm ngày 27/2/2018. Đơn vị: % - Nguồn: Bloomberg.

Giờ là lúc giới đầu tư đang xem xét lại tỷ trọng các loại tài sản trong danh mục đầu tư của họ. Có nhiều yếu tố tác động đến sự cân nhắc này, từ lập trường cứng rắn của ông Trump với các đối tác thương mại, cho tới việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn các ngân hàng trung ương ở Nhật Bản và châu Âu.

Chỉ số MSCI All Country Index của thị trường chứng khoán toàn cầu vừa có hai quý giảm liên tiếp lần đầu tiên kể từ năm 2005, và thị trường chứng khoán các quốc gia mới nổi đã có quý giảm đầu tiên trong vòng 6 quý trở lại đây.

Trong khi đó, đồng USD đang tăng giá mạnh so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác. Chưa kể, thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ, loại trái phiếu có tính thanh khoản cao nhất thế giới, đang có mức lợi suất cao, nên sức hấp dẫn của những tài sản không mang lãi suất như vàng càng kém đi.

Ngoài đồng USD mạnh, giá vàng còn đang đương đầu với sức ép giảm của nhiều yếu tố khác, bao gồm nhu cầu vàng vật chất đi xuống ở Ấn Độ và việc các quỹ giao dịch hoán đối (ETF) không còn đổ nhiều vốn vào vàng như trước.

Theo một số phân tích, biến động tỷ giá đồng USD là nguyên nhân phía sau khoảng một nửa sự biến động của giá vàng từ tháng 1 đến nay. Điều này cho thấy mối liên hệ chặt chẽ nhất giữa giá vàng và tỷ giá đồng bạc xanh trong vòng một thập kỷ trở lại đây.

Một động lực quan trọng cho sự tăng giá của đồng USD trong năm nay là tâm lý ham thích rủi ro giảm xuống, dẫn tới một làn sóng chuyển vốn vào các tài sản USD khi các thị trường mới nổi bị rút vốn - theo bà Jane Foley, trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ thuộc Rabobank. "Mức độ thanh khoản cao của đồng USD đồng nghĩa với việc đồng tiền này luôn là một ‘vịnh tránh bão’ đối với nhiều nhà đầu tư", bà Foley nhận định.

"Chúng ta đều thấy mối tương quan chặn chẽ giữa giá vàng với tỷ giá USD trong thời gian gần đây", chiến lược gia hàng hóa cơ bản Carsten Menke thuộc Bank Julius Baer phát biểu. "Rất khó để có thể kiếm tiền từ giao dịch vàng trong khi đồng USD tăng giá".

Theo Theo VnEconomy