Theo nguồn tin của Tiền Phong, Unilever Việt Nam vừa có đơn khiếu nại lần 2 gửi tới Cục trưởng Hải quan TPHCM và Tổng cục Hải quan phản ánh việc cơ quan hải quan xác định trị giá tính thuế nhập khẩu không đúng quy định đối với mặt hàng Sorbitol.
Theo văn bản của Unilever Việt Nam, công ty đang nhập khẩu mặt hàng Sorbitol trực tiếp từ Sơn Đông (Trung Quốc) với giá khai báo là 545 USD/tấn. Tuy nhiên, khi sản phẩm về Việt Nam, Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư - Cục Hải quan TPHCM đã bác bỏ giá khai báo và yêu cầu trị giá tính thuế phải là 820 USD/tấn. Sản phẩm này tiếp tục bị áp thuế chống bán phá giá 44,99% theo Quyết định 2644 của Bộ Công Thương.
Văn bản của Unilever Việt Nam nêu rằng việc này là vi phạm Luật Quản lý ngoại thương và Hiệp định chống bán phá giá và Hiệp định trị giá hải quan. Về bản chất việc áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu nhằm đảm bảo công bằng trong thương mại quốc tế; đồng thời đảm bảo giá nhập khẩu vào Việt Nam ít nhất bằng với giá thông thường (gồm chi phí sản xuất, vận chuyển, lợi nhuận ước tính). Do đó, giá Sorbitol công ty khai báo 545 USD/tấn sau khi cộng thuế chống bán phá giá đã bao gồm toàn bộ các chi phí trên theo quy định.
“Nếu hải quan tính thuế bằng giá ấn định là 820 USD/tấn cộng thêm thuế chống bán phá, sản phẩm của doanh nghiệp sẽ bị tính 2 lần thuế và gây chồng lấn. Bởi giá hải quan ấn định về bản chất đã là giá thông thường", văn bản của Unilever Việt Nam cho hay.
Không đồng tình với những nội dung trên, Unilever Việt Nam đã gửi đơn khiếu nại tới Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư. Tuy nhiên, ngay sau đó, Chi cục trưởng Hải quan Quản lý hàng đầu tư đã giữ nguyên quyết định.
Theo Unilever Việt Nam, đơn vị này khẳng định không hiểu cơ sở để phía hải quan xác định trị giá tính thuế Sorbitol ở mức 820 USD/tấn được căn cứ từ đâu. Bởi hiện nay, Tập đoàn mẹ Unilever nhập khẩu Sorbitol từ Trung Quốc về các nước với quãng đường xa hơn, nhưng mức giá cũng chưa đến.
Chẳng hạn, đối với giá Sorbitol vận chuyển đến Myanmar được tính là 640 USD/tấn; đến Srilanka là 665 USD/tấn, còn đến Tema, Ghana là 820 USD/tấn.
"Quãng đường từ Trung Quốc về Việt Nam ngắn hơn nhiều nên tiết giảm được các chi phí vận chuyển. Do đó, mức giá khai báo 545 USD/tấn, phía công ty có căn cứ", văn bản của Unilever Việt Nam cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục Hải quan biết, trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập khẩu đầu tiên được xác định bằng cách áp dụng tuần tự các phương pháp (từ điểm a đến điểm e khoản 2 Điều 5 thông tư số 39/2015/TT-BTC) và dừng lại ở phương pháp xác định được trị giá hải quan.
Trong quá trình làm thủ tục, hải quan sẽ kiểm tra hồ sơ, trị giá do doanh nghiệp khai báo. Trường hợp có nghi vấn về trị giá, đơn vị sẽ thông báo để doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan để thực hiện tham vấn. Nếu đủ cơ sở bác bỏ trị giá, cơ quan hải quan sẽ xác định lại trị giá.
“Hiện công ty đã khiếu nại lần 2. Vụ việc trong quá trình giải quyết nên công ty có thể liên hệ Cục Hải quan TP.HCM để cung cấp tài liệu, chứng từ có liên quan để chứng minh trị giá giao dịch”, Tổng cục Hải quan cho hay.
Trước đó, Tổng cục Hải quan có văn bản yêu cầu các Cục Hải quan giám sát chặt quá trình làm thủ tục đối với mặt hàng Sorbitol nhập khẩu.
Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua có dấu hiệu một số doanh nghiệp lợi dụng khai báo không chính xác thông tin hàng hóa nhập khẩu để gian lận về mã HS, xuất xứ, số lượng, trị giá hải quan hoặc lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.
Mặt hàng Sorbitol nhập khẩu phải khai báo rõ mục đích sử dụng, quy cách đóng gói, tính chất hàng hóa (lỏng, bột)...