Nói về thói quen dùng nước đun sôi để nguội của nhiều gia đình, bác sĩ Nguyễn Thị Vân Anh, Khoa Sức khỏe Môi trường & Sức khỏe Trường học, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho rằng đây là thói quen tốt đối với sức khoẻ. Tuy nhiên, người dân cần nấu nước và dùng nước đun sôi đúng cách.
"Bản chất của việc đun sôi nước là dùng nhiệt để tiêu diệt hoàn toàn vi sinh vật, kí sinh trùng gây ô nhiễm trong nguồn nước. Nước đun sôi để nguội vẫn là nguồn nước an toàn và tốt nhất vì khi đun sôi nước vẫn giữ nguyên thành phần hóa lý ban đầu của nước, tiêu diệt được các vi sinh có trong nước.
"Tuy nhiên, yêu cầu phải đun nước đủ thời gian, nhiệt độ và nguồn nước dùng để đun sôi là nước máy vì nước máy đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế. Nếu dùng nước giếng khoan hoặc nước sông suối, ao, hồ, hoặc nước có những chất độc hại cho cơ thể thì việc đun sôi nước không thể loại bỏ được các độc chất, kim loại nặng… trong nước mà chỉ tiêu diệt được các vi sinh vật có trong nước. Nước khi đun sôi 100 độ C vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt, đồng thời nước để nguội lâu ngày sẽ dễ bị tái nhiễm: bụi, vi sinh vật… môi trường không khí xung quanh", bác sĩ Vân Anh nói.
Các nghiên cứu cho thấy nước đun sôi sau 2 tiếng đã bắt đầu có vi khuẩn xuất hiện trở lại. Sau 24 tiếng, lượng vi khuẩn đã tăng lên rất nhiều. Ảnh minh họa: Internet
Ngoài ra, đun sôi nước để uống là điều cần thiết nhưng chỉ nên uống nước đun sôi để nguội trong một ngày, không nên để sang ngày hôm sau hoặc lâu hơn.
Bác sĩ Vân Anh cho biết, nước đun sôi để nguội trên 2 giờ đồng hồ thì vi khuẩn sẽ xuất hiện trở lại, sau 24 giờ thì lượng vi khuẩn đã tăng lên rất nhiều. Nếu cứ đổ lẫn giữa nước đun sôi mới vào nước đun sôi cũ với nhau hoặc để nguồn nước đun sôi để nguội lâu ngày, vô tình sẽ càng nhân số lượng vi khuẩn của nước tăng lên nhanh chóng và có thể gây hại cho cơ thể.
Những lưu ý khi dùng nước đun sôi để nguội:
Các nghiên cứu cho thấy nước đun sôi sau 2 tiếng đã bắt đầu có vi khuẩn xuất hiện trở lại. Sau 24 tiếng, lượng vi khuẩn đã tăng lên rất nhiều.
Nhiều người có thói quen trộn lẫn giữa nước đun sôi mới vào nước đun sôi cũ, lưu trữ nước lâu ngày vô tình sẽ khiến các loại vi khuẩn gia tăng nhanh chóng.
Ngoài ra, những gia đình sử dụng nước giếng khoan hoặc nước suối, ao, hồ, để đun sôi, tác dụng của việc uống nước đun sôi sẽ giảm. Quá trình đun sôi nước lúc này chỉ có thể tiêu diệt các loại vi khuẩn, nhưng không thể loại bỏ được các độc chất, kim loại nặng có sẵn trong nguồn nước.
Nhiều người có thói quen trộn lẫn giữa nước đun sôi mới vào nước đun sôi cũ, lưu trữ nước lâu ngày vô tình sẽ khiến các loại vi khuẩn gia tăng nhanh chóng. Ảnh minh họa: Internet
Một số nguồn tin cho rằng, nước sôi để nguội lâu ngày còn sản sinh ra chất muối acid nitrat, đây là chất dễ gây ung thư. Do đó, khi thói quen để nước sôi lâu ngày được kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Sử dụng nước đun sôi để nguội như thế nào là tốt nhất?
Để nước đun sôi đạt hiệu quả bảo vệ cơ thể tốt nhất, các gia đình nên sử dụng hết trong một ngày, không nên để sang ngày hôm sau, không uống nước để quá 24h.
Ngoài ra cần lưu ý, đặt bình nước trong khu vực sạch sẽ, dụng cụ chứa nước bằng thủy tinh, sành, sứ, nhựa nguyên sinh, kim loại có xuất xứ rõ ràng. Hạn chế sử dụng các loại bình nhựa để chứa nước đun sôi. Nước sôi ở nhiệt độ cao đổ trực tiếp vào bình nhựa có thể làm phát tán những chất độc hại từ bình ra nước, không tốt cho sức khỏe người sử dụng.
Các loại bình đựng nước nên được đậy kín, có vòi xả để tiện lợi cho mỗi lần lấy nước.
Định kỳ vệ sinh, súc xả vật dụng chứa nước đun sôi.
Đun nước đủ thời gian và nhiệt độ quy định. Trước khi tắt lửa phải đảm bảo nước đã đạt tới nhiệt độ sôi hoàn toàn 100 độ C, hơi nước và dòng nước chuyển động không ngừng.
Hạn chế sử dụng các loại bình nhựa để chứa nước đun sôi. Nước sôi ở nhiệt độ cao đổ trực tiếp vào bình nhựa có thể làm phát tán những chất độc hại từ bình ra nước, không tốt cho sức khỏe người sử dụng. Ảnh minh họa: Internet
Nhiều ý kiến cho rằng nước ở nhiệt độ đun sôi có thể tiêu diệt được vi khuẩn và các chất độc hại nhưng đồng thời làm biến đổi cấu trúc tự nhiên của nước, mất oxy và một số nguyên tố vi lượng cần cho cơ thể. Cùng với đó, chất khử trùng Clo kết hợp với hợp chất hữu cơ trong nước như halogen hóa hydrocacbon là chất nguy hiểm có thể gây ung thư. Ngoài ra trong thành phần của nước tự nhiên có chứa amoniac. Dưới tác dụng của nhiệt, amoniac chuyển hóa thành nitrat là một tiền chất gây ung thư.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết thông tin clo có trong nước phản ứng với chất hữu cơ halogen hình thành hydrocacbon là không có cơ sở khoa học. Các nhà y học trên thế giới đã nghiên cứu và chứng minh diệt khuẩn bằng clo là phương pháp đơn giản nhất mà an toàn.
Ngoài ra, khi nước được đun sôi, amoniac là chất có khả năng gây ung thư vốn tồn tại trong nước tự nhiên được thoát ra, vì thế không gây hại cho cơ thể. Kể cả với nước tự nhiên, thành phần amoniac rất thấp nên không thể tạo ra những hợp chất gây ung thư cho người uống.
Tiến sĩ Trần Hồng Côn, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng chính cách sử dụng nước không đúng mới có thể gây ra ung thư. Khi thực phẩm nói chung và nước nói riêng được đựng trong các chai nhựa chứa hợp chất mononer, có khả năng gây ung thư.
Ngoài ra, nước sôi để nguội lâu ngày làm cho oxy trong nước mất đi gần hết, những vật hữu cơ bị phân giải và những vật vô cơ lắng xuống. Thời gian lưu cữu càng lâu càng là điều kiện tốt để vi khuẩn trong môi trường sống xâm nhập và phát triển trong nước đun sôi. Hơn nữa, khi nước sôi để nguội được đổ vào nước cũ còn lại trong bình, càng làm vi khuẩn phát triển sinh ra nấm mốc, nếu uống vào dễ gây bệnh ung thư.