Đồng thời, KBNN ban hành công văn định hướng KBNN các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra nội bộ tại đơn vị mình, kết hợp hài hòa giữa kiểm tra thường xuyên, kiểm tra chéo và kiểm tra đột xuất. Việc xây dựng kế hoạch kiểm tra một cách toàn diện với những nội dung trọng tâm trọng điểm đã trở thành nề nếp trong toàn hệ thống, góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, phòng ngừa rủi ro.
Về tổ chức thực hiện hoạt động giám sát nội bộ, KBNN đã hoàn thành việc thiết lập tiêu chí để kết xuất dữ liệu xử lý hồ sơ quá hạn trên dịch vụ công trực tuyến (DCVTT) phục vụ cho công tác giám sát, đảm bảo giám sát việc “tiếp nhận hồ sơ” không muộn hơn 8 giờ làm việc.
Đồng thời, KBNN thực hiện kết xuất dữ liệu về sử dụng chứng thư số từ máy chủ của KBNN để giám sát từ xa việc chấp hành bảo mật quản lý, sử dụng chứng thư số, mục đích là để chấn chỉnh lề lối làm việc và cảnh báo rủi ro có thể xảy ra tại KBNN các cấp.
Theo đó, KBNN đã tiến hành kiểm tra, rà soát làm rõ các giao dịch được ký duyệt trên máy tính người khác (tránh tình trạng vi phạm các quy định về bảo mật trong quản lý, sử dụng các ứng dụng bảo mật được cài đặt trên máy); kiểm tra, rà soát công tác ủy quyền (tránh tình trạng không có ủy quyền bằng giấy nhưng vẫn ký duyệt trên máy hoặc có ủy quyền nhưng không thống nhất giữa ký trên chứng từ giấy và trên máy tính); kiểm tra, rà soát các user lâu không sử dụng không rõ lý do, chưa thực hiện thu hồi hoặc tạm dừng sử dụng theo quy định dẫn đến vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chứng thư số…
Theo Vụ Thanh tra Kiểm tra, KBNN, kết quả lớn nhất của công tác kiểm tra, giám sát nội bộ là đã giúp cho KBNN các cấp thấy được những tồn tại, sai sót, thấy được những vướng mắc trong tổ chức thực hiện các quy định mới của pháp luật liên quan đến hoạt động KBNN… Sau khi kết thúc các đợt kiểm tra, KBNN đều có văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh chung trong toàn hệ thống. Đồng thời, các giải pháp trong công tác giám sát đã được KBNN các tỉnh, thành phố đồng thuận và đánh giá cao.
Thời gian qua, KBNN đã thực hiện kiểm soát thanh toán các nguồn vốn ngân sách từ tiền kiểm sang hậu kiểm trong cơ chế quản lý rủi ro. Nhiều khoản chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua KBNN sẽ được thực hiện theo phương thức thanh toán trước, kiểm soát sau nên công tác hậu kiểm là rất quan trọng và nhiệm vụ này đã được giao cho thanh tra chuyên ngành kho bạc thực hiện, nhằm đảm bảo các khoản chi NSNN đúng chế độ quy định.
Từ thực tiễn đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với Thanh tra KBNN trong giai đoạn này là phải đổi mới hoạt động kiểm tra, giám sát phù hợp với lộ trình hiện đại hóa công tác thanh tra kiểm tra của toàn hệ thống và đảm bảo phù hợp với lộ trình hiện đại hóa công tác kiểm soát thanh toán các khoản chi NSNN trong điều kiện hướng tới “kho bạc số”.
Theo đó, ngoài việc đổi mới phương pháp thực hiện kiểm tra, giám sát nội bộ theo phương pháp điện tử; đổi mới trong lựa chọn đối tượng kiểm tra, giám sát, KBNN sẽ đổi mới cách thức thực hiện kiểm tra giám sát và hoàn thiện các công cụ giám sát.
Với cách thức kiểm tra, giám sát, KBNN yêu cầu các đơn vị tự kiểm tra, báo cáo, gửi hồ sơ, tài liệu về các phòng thanh tra kiểm tra; hạn chế đến mức tối đa hoạt động thanh tra trực tiếp tại cơ quan, đơn vị nhưng vẫn đảm bảo quy định pháp luật về thanh tra và nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định.
Đồng thời, trước mắt, KBNN nghiên cứu xây dựng hoàn thiện chương trình ứng dụng phục vụ công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng chứng thư số và các giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến tại KBNN các tỉnh, thành phố theo đúng các quy định, trong đó có phương án chuyển giao, phân cấp cho các đơn vị KBNN chủ động khai thác các chương trình ứng dụng.