Đây là sự kiện được Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) đã phối hợp với Friends of Ireland Vietnam tổ chức vào 21/9 vừa qua.
Thu hút sự quan tâm của các tổ chức quốc tế
Phát triển bền vững là vấn đề chung của thế giới, nhiều tổ chức quốc tế đã dành sự quan tâm và mong muốn cùng trao đổi để tìm kiếm những giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững trong các lĩnh vực liên quan.
Tọa đàm có sự tham dự của ông Conor Finn – Phó Đại sứ, Đại sứ quán Ireland; ông Phan Đặng Cường – Cố vấn phát triển Đại sứ quán Ireland; bà Trần Phương Mai - Cố vấn truyền thông Education in Ireland Vietnam, thành viên Ban cố vấn Friends of Ireland Vietnam; ông Phạm Trường Sơn - Ban cố vấn Friends of Ireland Vietnam; ông Đặng Quốc Cường – CEO Forbes Vietnam cùng lãnh đạo Nhà trường, đại diện của hơn 40 doanh nghiệp quan tâm đến phát triển bền vững, các trường đại học và các tổ chức phi chính phủ.
Phát biểu khai mạc tại tọa đàm, ông Conor Finn – Phó Đại sứ quán Ireland đã đề cao tầm quan trọng của mục tiêu phát triển bền vững. Minh chứng cho thấy nhiều chương trình giáo dục đại học trên thế giới đã áp dụng phát triển bền vững.
Có mặt tại tọa đàm, ông Cường Đặng - CEO Forbes Vietnam đã chia sẻ câu chuyện về bền vững và tạo tác động, cũng như những giá trị chung mà các chương trình về phát triển bền vững mang lại.
Các doanh nghiệp tham dự tọa đàm cũng đặt ra những vấn đề liên quan vai trò doanh nghiệp trong phát triển bền vững và mong muốn tìm nguồn nhân lực được đào tạo về phát triển bền vững.
Đề cao vai trò của phát triển bền vững trên nhiều lĩnh vực
Tại tọa đàm, có 3 bài tham luận được trình bày, góp phần mang đến nhiều góc nhìn về thực trạng và các giải pháp thúc đẩy tư duy phát triển bền vững của các bên có liên quan trong nền kinh tế.
Với chủ đề “Đầu tư tạo tác động bền vững tại Đông Nam Á và Việt Nam - Góc nhìn từ quỹ đầu tư công nghệ khí hậu”, ông Tiến Nguyễn - CEO của Earth Venture Capital đã giúp người theo dõi hiểu hơn về loại hình đầu tư tác động, đây là một loại hình đầu tư mà các nền kinh tế, xã hội hiện nay trên thế giới đều nhấn mạnh và hướng tới nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Từ việc đưa những số liệu tại Việt Nam liên quan đến công nghệ, ông Tiến Nguyễn mong muốn rằng các quỹ đầu tư công nghệ công ty tạo ra sẽ hướng đến mục tiêu chống biến đổi khí hậu.
Ở bài tham luận số 2, ông Paul Cox - Quản lý cấp cao của Công ty StarCircle đã chia sẻ về hoạt động cộng đồng của công ty đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam. Theo đó, công ty đã tạo ra quỹ “Narrow The Gap” tập trung vào các mục tiêu phát triển bền vững gồm: Xóa nghèo, Sức khỏe và có cuộc sống tốt, Giáo dục có chất lượng, Nước sạch và vệ sinh, Hành động về khí hậu.
Đại diện UEF, TS. Nhan Cẩm Trí – Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã trình bày tham luận về “Vai trò của giáo dục đại học trong việc thúc đẩy và định hướng phát triển bền vững”. Đối với trường đại học phát triển bền vững, không chỉ khuyến khích và sử dụng những cách sống xanh hơn giữa sinh viên và giảng viên mà còn thúc đẩy một cộng đồng công bằng và công bằng hơn cho tất cả mọi người. Mô hình “Service - Learning” cũng được UEF áp dụng để thúc đẩy yếu tố phát triển bền vững trong chương trình giáo dục dành cho sinh viên.
Các bài tham luận tại tọa đàm đại diện cho 3 khía cạnh khác nhau trong bức tranh tổng quát về phát triển bền vững tại Việt Nam: đầu tư tạo tác động bền vững; kinh doanh bền vững và trường đại học bền vững. Những đóng góp, chia sẻ của các khách mời cũng đã mang đến nhiều góc nhìn đa chiều hơn. Là một trường đại học định hướng quốc tế hóa, UEF cũng cho thấy chiến lược đúng đắn trong việc chung tay thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.