Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Chánh Văn phòng UBND quận 5 cho biết từ phố là từ thông dụng được sử dụng khắp cả nước. Ngay tại TPHCM cũng có nhiều nơi đặt tên có từ phố như Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Phố đi bộ Bùi Viện.
“Chợ Soái Kình Lâm chỉ là một ngôi chợ chuyên bán vải nhưng có khuôn viên khá nhỏ. Trong khi đó, khu vực nhiều tuyến đường chung quanh chợ cũng có những gian hàng bán vải như trong chợ Soái Kình Lâm. Vì thế khi định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù trên địa bàn, chúng tôi gọi nguyên khu vực đó là phố chứ không phải là đổi chợ thành phố. Phố là bao trùm cả chợ lẫn các tuyến đường xung quanh và khu vực đó có chợ nổi tiếng là Soái Kình Lâm nên chúng tôi quyết định giữ tên này cho phố bán vải tại quận 5", ông Nguyễn Xuân Thành cho biết.
Cũng theo ông Thành, đây không phải là lần đầu quận 5 đặt tên phố cho những khu vực kinh doanh đặc thù trong quận. Trước đó, tại quận 5 đã có phố Đông y, phố Lồng đèn, phố Văn phòng phẩm, phố Trang sức, phố Thời trang... Đó là thương hiệu mang tính đặc trưng, giúp cho việc quảng bá được mạnh hơn. “Việc xây dựng các tuyến phố chuyên biệt này cũng nhằm khuyến khích phát triển kinh tế và du lịch của địa phương", ông Thành nói thêm.
Chợ vải Soái Kình Lâm được hình thành từ những năm cuối thập niên 80 thế kỷ trước và là chợ đầu mối bán vải lớn nhất tại TPHCM. Tên gọi Soái Kình Lâm là do khi hình thành chợ, ngay bên cạnh chợ có nhà hàng cùng tên nên người dân quen gọi. Tuy nhiên sau khi trở thành chợ đầu mối, do nhu cầu phát triển nên nhiều nhà dân khu vực chung quanh cũng mở cửa hàng chuyên bán vải, hình thành khu vực bán vải có quy mô lớn.