U23 Việt Nam: Ít kỳ vọng nhưng nhiều hứa hẹn

TP - Hôm nay, ĐT U23 Việt Nam sang Lào, bắt đầu chiến dịch chinh phục SEA Games. Đây là lần đầu tiên trong vòng gần 10 năm trở lại đây, U23 Việt Nam đến SEA Games mà không có được thành phần cầu thủ xuất sắc như ba kỳ đại hội trước.
U23 VN (trái) sẽ gây bất ngờ? - Ảnh: PV

Năm 2003, trước khi bước vào SEA Games 22, U23 Việt Nam đã được rèn giũa từ Asian Games 2002 ở Busan (Hàn Quốc) và tiếp theo là vòng loại Asian Cup 2004, nên đã sản sinh ra lứa cầu thủ tài năng của những Văn Quyến, Quốc Vượng.

SEA Games 23 năm 2005 cũng vậy, hầu hết những trụ cột của SEA Games 22 vẫn có mặt tại Philippines và ngay cả Công Vinh thời đó còn phải mòn mỏi trên băng ghế dự bị.

Tới SEA Games 24 năm 2007, toàn bộ ĐT U23 Việt Nam đã được thử lửa tại vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008 và chỉ cần có thêm một chút may mắn là chúng ta đã có vé tới Bắc Kinh.

Ở cả 3 kỳ SEA Games 22, 23 và 24, ĐT U23 Việt Nam đều có sự góp mặt của ít nhất phân nửa thành phần chính thức của ĐT Việt Nam, nên có nhiều thời điểm gần như không có sự phân biệt giữa ĐT U23 Việt Nam và ĐT Việt Nam.

Tuy nhiên, tại SEA Games 25 thì ĐT U23 Việt Nam lại không có chất lượng như vậy, bởi ngay cả các cầu thủ đang được coi là không thể thay thế ở ĐT U23 Việt Nam như Tấn Trường, Trọng Hoàng, Thành Lương cũng chưa có được vị trí chính thức ở ĐT Việt Nam.

Cũng vì lứa cầu thủ này có chất lượng không thật sự xuất sắc nên HLV Calisto phải liên tục trì hoãn ngày gút danh sách chính thức tham dự SEA Games, và bản thân ông cũng thừa nhận khó khăn, bởi “trình độ của các cầu thủ cách biệt với nhau không nhiều nên rất khó chọn”.

Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào thực tế này để đưa ra dự đoán bức tranh của ĐT U23 Việt Nam tại SEA Games 25 có thể toàn màu tối thì chưa hoàn toàn chính xác. Sự khác biệt lớn nhất giữa SEA Games 25 với 3 kỳ SEA Games gần đây nhất là vị trí thuyền trưởng của HLV Calisto.

Trong 3 kỳ SEA Games 22, 23 và 24, ĐT U23 Việt Nam sở hữu dàn cầu thủ vừa kinh nghiệm vừa tài năng, nhưng sự hạn chế của người cầm lái là HLV Alfred Riedl đã khiến chúng ta 3 lần phải ngậm ngùi nhìn Thái Lan lên ngôi.

Năm 2003, HLV Riedl không xây dựng phương án hai cho đội hình chính nên khi Văn Trương vắng mặt trong trận chung kết vì bị treo giò, ĐT U23 Việt Nam đã để thủng cánh trái và thua cả hai bàn ở tử huyệt này.

Năm 2005, HLV Riedl dù đã biết phong thanh về việc một số trụ cột có ý đồ dàn xếp tỷ số, nhưng lại không ngăn chặn kịp thời và dẫn tới hậu quả vô cùng tồi tệ.

Năm 2007, do để các cầu thủ vắt kiệt sức lực ở các giải đấu chuẩn bị trước thềm SEA Games nên khi chính thức vào giải, ĐT U23 Việt Nam không còn là chính mình và nhận về cú sốc lớn nhất trong lịch sử là thất bại 0-5 trước Singapore ở trận tranh HCĐ.

So với HLV Riedl, HLV Calisto trội hơn về rất nhiều mặt và có thể nói rằng ông thầy người Bồ Đào Nha này là hơn 50% sức mạnh của đội bóng.

Với HLV Calisto, không có đối thủ nào là không thể đánh bại, và điều kỳ lạ là các đội bóng dưới tay ông thường có xuất phát điểm rất khiêm tốn nhưng khi về đích lại có cú tung nước rút cực kỳ ngoạn mục.

Điều này đã được chứng minh trong thực tiễn làm việc tại Việt Nam của HLV Calisto, bởi dù ở CLB ĐT.LA hay ĐT Việt Nam, bất cứ giải đấu nào mà HLV Calisto tham gia, ông cũng mang về ít nhất là một chiếc HCĐ.

3 kỳ SEA Games trước, chúng ta đã hy vọng rất nhiều để rồi chỉ nhận về nỗi thất vọng vô bờ, còn SEA Games này, không được kỳ vọng nhiều nhưng sẽ là một mùa vàng bội thu? Tại sao lại không nhỉ?