Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Chính phủ vừa hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi trình Quốc hội. Dự thảo luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp cuối năm nay.
Một trong những nội dung chính của sửa đổi Luật BHXH lần này là quy định về tiền lương tính đóng BHXH. Tại dự thảo luật lấy ý kiến người dân, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 phương án với 2 cách tính khác nhau, trong đó phương án 1 cơ bản giữ quy định hiện hành, phương án 2 tính thêm nhiều khoản bổ sung tương đương khoảng 90% thu nhập thực tế của người lao động.
Sau khi lấy ý kiến góp ý của các bộ ngành, doanh nghiệp, người dân, các uỷ ban của Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật BHXH sửa đổi đã hoàn thiện chỉ còn 1 phương án. Cụ thể, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với khu vực ngoài nhà nước cơ bản kế thừa quy định hiện hành, nhưng cụ thể hơn theo hướng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng của người lao động, gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Trên cơ sở đó, Chính phủ quy định chi tiết, xác định cụ thể các khoản tính vào lương đóng, không phải tính đóng BHXH bắt buộc. Chính phủ cũng quy định chi tiết việc xác định tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH đối với trường hợp trả lương theo giờ, ngày, tuần và theo sản phẩm, khoán.
Trước đó, góp ý cho dự thảo luật, nhiều ý kiến của bộ ngành, doanh nghiệp cho rằng, nên chọn theo phương án 1, vì kế thừa quy định hiện hành, các khoản tính vào lương tương đối ổn định và được trả thường xuyên. Bên cạnh đó, quy định như hiện hành cũng đảm bảo doanh nghiệp và người lao động không phải chịu áp lực về chi phí "gia tăng đột biến”. Nếu điều chỉnh cơ sở tính vào lương làm căn cứ đóng BHXH theo hướng tăng sẽ gây áp lực lên khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, năm 2022, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bình quân hơn 5,7 triệu đồng/người/tháng, chiếm khoảng 75% thu nhập bình quân của người lao động làm công, hưởng lương. Giai đoạn 2016-2022, số thu BHXH trên cả nước năm sau cao hơn năm trước một phần do số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng dần qua các năm, phần khác do quy định về việc tăng lương tối thiểu vùng và tăng lương cơ sở.
Trong đó, năm 2021, mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động cao nhất thuộc về doanh nghiệp nhà nước (gần 6,6 triệu đồng/người/tháng); tiếp sau đó là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (hơn 6,1 triệu đồng/người/tháng); cuối cùng là khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh (hơn 5,1 triệu đồng/người/tháng).
Bộ LĐ-TB&XH cũng dẫn phản ánh từ các địa phương cho thấy thực tế, ở một số doanh nghiệp tồn tại 3 loại thu nhập của người lao động (3 sổ lương), gồm: Lương làm căn cứ đóng BHXH, lương để doanh nghiệp quyết toán thuế, và lương thực trả cho người lao động.
Trong 3 loại lương trên, lương làm căn cứ đóng BHXH luôn ở mức thấp nhất. Cơ bản doanh nghiệp chỉ tính lương đóng BHXH gồm lương tối thiểu vùng cộng thêm tỷ lệ trả cho lao động qua đào tạo (thêm 7%), và phụ cấp làm việc nặng nhọc độc hại (5-7%).
“Lương tính đóng BHXH thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mức hưởng các chế độ BHXH, đặc biệt là mức hưởng lương hưu khi về già”, Bộ LĐ-TB&XH nhận định.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, tỷ lệ tính đóng BHXH của Việt Nam hiện ở mức 32% tiền lương tháng của người lao động, cao thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Singapore (37%). Tuy nhiên, tỷ lệ hưởng lương hưu ở Việt Nam cao nhất trong khu vực, thậm chí cao nhất trên thế giới. Tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa của Việt Nam là 75% tiền lương tháng tính đóng, trong khi các nước chỉ khoảng 40% (Trung Quốc, Hàn Quốc).
Dù tỷ lệ đóng, tỷ lệ hưởng hưởng lương hưu cao, nhưng với tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc không cao (bình quân năm 2022 là 5,73 triệu đồng/tháng), nên mức lương hưu bình quân của người hưởng lương hưu hiện chỉ khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng.