Tuyệt chiêu làm giảm lão hóa da

Giống các cơ quan khác trong cơ thể, da cũng lão hóa. Quá trình lão hóa da xảy ra rất sớm, giữa 20 - 30 tuổi.
Ảnh minh họa: Internet

Theo ThS.BS. Đoàn Mạnh Khải - BV. Từ Dũ, lão hóa là quá trình bình thường, xảy ra tự nhiên. Giống các cơ quan khác trong cơ thể, da cũng lão hóa. Quá trình lão hóa da xảy ra rất sớm, giữa 20 - 30 tuổi. Các triệu chứng lão hóa da: da mất độ trơn láng, sáng bóng và mềm mại; da khô, xuất hiện nhiều nếp nhăn nông và sâu; xuất hiện nhiều đốm tăng hoặc giảm sắc tố như: nám; lớp mô dưới da mỏng, giảm lượng collagen và elastine làm da mất độ ẩm, mất khả năng đàn hồi và độ bền chắc.

Ở những vùng da không phơi bày ra ánh sáng, việc lão hóa da được quy định bởi gen di truyền, đồng thời là kết quả của sự mất cân bằng giữ hệ thống bảo vệ và sự phá hủy của những gốc tự do được sản sinh trong các hoạt động sống của tế bào. Teo da là một trong những biểu hiện đầu tiên của lão hóa da, hình thành nên các nếp nhăn đặc biệt ở vùng mặt. Da khô do mất lớp màng lipid bảo vệ nên mất độ sáng, sần sùi, bong vảy và ngứa. Các triệu chứng phụ khác như: móng mọc chậm, móng dễ gãy, màu sắc không còn sáng bóng mà trở nên xám hoặc xỉn màu.

Lão hóa còn do tác động của các tác nhân ngoại cảnh nhất là ánh sáng mặt trời, nhiệt độ nóng hoặc lạnh, môi trường nhiều gió, ô nhiễm không khí, thói quen sinh hoạt (thuốc lá, rượu bia, lười vận động…), một số bệnh lý mãn tính như: đái tháo đường hoặc sử dụng corticoid kéo dài. Da có thể bị thay đổi sắc tố (da đồi mồi, đốm nâu, hoặc mảng da sậm màu xuất hiện ở lưng bàn tay, cẳng tay, vùng má và thái dương; tàn nhang…); xuất hiện nếp nhăn (trán, mũi, thái dương, xung quanh miệng, vùng cổ…).

Để phòng ngừa, chúng ta cần tránh hoặc hạn chế các tác động có hại của yếu tố ngoại sinh lên da được xem như biện pháp hiệu quả nhất làm chậm quá trình lão hóa.Tránh phơi nắng kéo dài hoặc phơi nắng tại thời điểm mà cường độ tia cực tím cao nhất (từ 10g sáng - 4g chiều). Do đó, bạn nên hình thành thói quen sử dụng các sản phẩm chống nắng bảo vệ da phù hợp và hiệu quả, đừng quen tránh nắng cho vùng mắt và vùng da cổ.

Cung cấp đủ nước cho nhu cầu hàng ngày của cơ thể (ít nhất 1 - 1,5l/ngày); giữ ẩm da thường xuyên, đặc biệt với những dân văn phòng thường xuyên làm việc trong môi trường khô, lạnh, nhiều giờ. Chế độ dinh dưỡng hợp lý và cân đối với các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa (vitamin E, vitamin C…). Thay đổi lối sống (không hút thuốc lá, hạn chế chất cồn, vận động thường xuyên, đảm bảo giấc ngủ đủ số lượng và sâu; cân đối thời gian thư giãn, hạn chế stress). Đồng thời khi trên da có những bất thường như ngứa, nổi mẩn, rối loạn sắc tố…, người bệnh cần phải đi khám da liễu ngay.

Để cải thiện các nếp nhăn, hiện nay, người ta có thể sử dụng liệu pháp laser CO2, giúp cải thiện đến 50% các nếp nhăn quanh mắt, miệng, nhưng cũng có nhiều tác dụng phụ như gây tăng giảm sắc tố da và cần chế độ chăm sóc, tránh nắng kỹ nhiều tuần sau đó. Phẫu thuật căng da mặt có thể coi là phương pháp điều trị được lựa chọn sau cùng. Đây là một phẫu thuật lớn giúp giải quyết được các nếp nhăn sâu và tình trạng da chảy sệ.

Theo Sức khỏe & Đời sống