Tuyển thẳng 10 sinh viên xuất sắc làm công chức tại Ban Tổ chức Trung ương

Thông báo tuyển dụng công chức năm 2019 của Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ nhu cầu tuyển dụng 10 công chức là sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc tại các trường đại học trong hoặc ngoài nước, có thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc quốc tế…
Thủ khoa đầu ra của các trường đại học là một nhóm đối tượng nhắm tới trong đợt tuyển dụng công chức năm 2019 của Ban Tổ chức Trung ương

Cụ thể, thông báo số 823 do Phó Trưởng Ban Tổ chức Nguyễn Thanh Bình ký có nội dung thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ vào làm công chức tại cơ quan này.

Việc thu hút, tạo nguồn cán bộ được thực hiện theo kết luận 86/2014 của Bộ Chính trị; nghị định số 140/2017 của Chính phủ và quy định số 4246 năm 2019 của Ban Tổ chức TƯ về thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ vào Ban.

Theo đó, 10 công chức cần tuyển dụng của Ban Tổ chức Trung ương trong năm nay sẽ được lựa chọn từ nguồn những sinh viên xuất sắc, không thi tuyển công chức như thông thường.

Đối tượng đủ điều kiện đăng ký dự tuyển dụng công chức năm 2019 vào Ban Tổ chức TƯ là sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc tại các trường đại học trong nước hoặc nước ngoài được công nhận về văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật, có kết quả học tập và rèn luyện xuất sắc các năm học của bậc đại học, trong độ tuổi quy định và đáp ứng một trong các tiêu chuẩn.

Một là đạt giải 3 cá nhân trở lên tại một trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, đạt giải khuyến khích trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc bằng khen trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi quốc tế thuộc một trong các môn khoa học tự nhiên (toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học) và khoa học xã hội (ngữ văn, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ) trong thời gian học ở cấp THPT.

Hai là đạt giải 3 cá nhân trở lên tại cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia hoặc quốc tế trong thời gian học ở cấp THPT hoặc bậc đại học.

Ba là đạt giải 3 cá nhân trở lên tại cuộc thi Olympic thuộc một trong các môn toán, vật lý, hóa học, cơ học, tin học hoặc các chuyên ngành khác trong thời gian học ở bậc đại học được Bộ GD-ĐT công nhận.

Các trường hợp này sẽ được tuyển dụng vào công chức tại Ban Tổ chức TƯ bằng hình thức xét tuyển. Nội dung xét tuyển dựa vào kết quả học tập, nghiên cứu (nếu có) của người dự tuyển đảm bảo theo các tiêu chuẩn nói trên. Các ứng viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn về kết quả học tập sẽ được phỏng vấn về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo thang điểm 100.

Các ứng viên nếu trúng tuyển sẽ công tác tại các vụ, cục, đơn vị của Ban Tổ chức TƯ với nghiệp vụ chính là công tác xây dựng Đảng; công tác tổ chức; công tác cán bộ; quản lý, phát triển nhân lực; hợp tác quốc tế về phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học về tổ chức, cán bộ…

Hồ sơ dự tuyển gồm có: phiếu đăng ký dự tuyển (theo mẫu); bản sơ yếu lý lịch tự thuật có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền; bản sao công chứng giấy khai sinh; chứng minh nhân dân/căn cước công dân; các văn bằng, bảng điểm kết quả học tập; các văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Ngoài ra, thí sinh cũng cần nộp bản dịch công chứng các văn bằng, bảng điểm, chứng chỉ bằng tiếng nước ngoài. Trong trường hợp bằng tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo nước ngoài không ghi rõ loại khá, giỏi, xuất sắc thì bổ sung các tài liệu chứng minh kết quả học tập của người dự tuyển đạt loại khá, giỏi, xuất sắc theo xếp loại của trường.

Người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển công chức phải có điểm phỏng vấn đạt từ 50 điểm trở lên; có kết quả xét tuyển cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu tuyển dụng; có kết quả thẩm tra, xác minh về tiêu chuẩn chính trị và lý lịch đảm bảo theo quy định.

Sau khi kiểm tra hồ sơ dự tuyển, cơ quan thành lập hội đồng tuyển dụng và xác định người trúng tuyển theo quy định hiện hành của pháp luật về tuyển dụng công chức, viên chức. Sau khi có thông báo kết quả trúng tuyển, người trúng tuyển có trách nhiệm nộp hồ sơ đến cơ quan để đối chiếu hồ sơ.

Ban Tổ chức Trung ương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm tra, xác minh về tiêu chuẩn chính trị trước khi xác định người trúng tuyển và ra quyết định tuyển dụng.

Sau 30 ngày kể từ ngày thông báo kết quả trúng tuyển, nếu người trúng tuyển không đến nhận việc, cơ quan có quyền ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyển dụng và có thể tuyển dụng người có kết quả xét tuyển liền kề.

Theo Theo Dân trí