Tuyển sinh lớp 10: Áp lực lớn vì trường công quá ít

TP - Năm học 2023 - 2024, Nghệ An tăng 7.226 học sinh lớp 9, gây áp lực tuyển sinh vào lớp 10. Tại TPHCM, áp lực với học sinh thi vào lớp 10 cũng khốc liệt khi có đến 20.000 thí sinh rớt khỏi “đường đua vào trường công”.

Trong khi phương án mở phân hiệu trường THPT đang gặp vướng mắc, Sở GD&ĐT Nghệ An dự kiến tăng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 để giảm áp lực tuyển sinh trường công lập.

Nghệ An: Học sinh quá đông, trường công ít

Theo số liệu thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nghệ An, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025, số học sinh lớp 9 trên toàn tỉnh tăng 7.226 học sinh. Trong đó, nhiều địa phương có số lượng học sinh tăng vượt bậc như thành phố Vinh 796 em, huyện Yên Thành 722 em, Quỳnh Lưu 673 em, Diễn Châu 737 em, Thanh Chương 610 em, Nghi Lộc 585 em. Các địa phương còn lại, số học sinh cũng tăng từ 150 - hơn 300.

Việc số học sinh tăng khiến tuyển sinh vào lớp 10 công lập gặp nhiều khó khăn. Trong đó “nóng” nhất là thành phố Vinh, do hiện nay trên địa bàn thành phố chỉ có 3 trường công lập là Trường THPT Hà Huy Tập, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng và Trường THPT Lê Viết Thuật, với chỉ tiêu trung bình mỗi năm là 630 học sinh (14 lớp) mỗi trường.

Ngoài ra, thành phố Vinh còn có Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và Trường THPT chuyên Đại học Vinh. Tuy nhiên, đây là 2 trường chuyên, tuyển sinh trên địa bàn toàn tỉnh và liên tỉnh, nên hằng năm chỉ có khoảng 400 học sinh thành phố Vinh trúng tuyển.

Với tổng số 6.218 thí sinh dự thi lớp 10 trong năm nay, trong khi chỉ tiêu công lập chưa đến 2.500 học sinh, dự kiến tỷ lệ trúng tuyển vào lớp 10 công lập của học sinh thành phố Vinh năm nay chưa đến 50%.

Cô Hà Thị Kim Thoa, giáo viên Trường THCS Đội Cung, thành phố Vinh chia sẻ: “Tôi thấy chỉ tiêu vào các trường công lập ở thành phố quá ít, vì thế áp lực thi cử lớp 10 cho học sinh là rất lớn. Học sinh buộc phải học rất nhiều, ngoài học chính khóa ở trường, các em còn phải học thêm ở ngoài.

Trước áp lực thi tuyển sinh lớp 10 tại thành phố Vinh, nhiều phụ huynh mong muốn có thêm một trường THPT công lập.

Liên quan vấn đề trên, ông Đào Công Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, việc mở thêm, thành lập mới trường THPT công lập trên địa bàn thành phố Vinh hiện nay là không thể do quy định của Trung ương về tinh gọn bộ máy, biên chế và giảm đơn vị sự nghiệp công lập. Phương án khả thi được đưa ra là sáp nhập hoặc lập cơ sở mới của các trường công lập hiện có.

Học sinh ở TP Vinh thi tuyển vào lớp 10, năm học 2023-2024

Để giải tỏa áp lực tuyển sinh lớp 10, cũng như đảm bảo quyền lợi cho học sinh trên địa bàn thành phố Vinh, thời gian qua, Sở GD&ĐT Nghệ An đã xin chủ trương của UBND tỉnh Nghệ An đồng ý mở phân hiệu 2 của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, đặt tại xã Nghi Ân, thành phố Vinh.

Phân hiệu 2 dự kiến sẽ tuyển sinh 6 lớp, dành cho học sinh vùng ven đô như xã Nghi Ân, Nghi Đức, Nghi Phú, Nghi Liên… Công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản đảm bảo, tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là công tác bố trí kinh phí, ngân sách xây dựng.

Một phương án khác được Sở GD&ĐT Nghệ An tham mưu, đề xuất với UBND thành phố Vinh là chuyển Trường THCS Đặng Thai Mai thành trường liên cấp THCS và THPT Đặng Thai Mai. Theo đó, dự án Trường THPT chuyên Phan Bội Châu mới đang trong giai đoạn khẩn trương xây dựng.

Sau khi hoàn thành, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu sẽ chuyển sang cơ sở vật chất mới tại xã Nghi Ân, và dành cơ sở vật chất cũ cho Trường THCS Đặng Thai Mai (phường Hưng Phúc).

Trường THCS Đặng Thai Mai đang triển khai mô hình tiên tiến, đây là tiền đề thuận lợi để chuyển thành mô hình trường liên cấp đảm bảo sự thống nhất, khoa học trong chương trình giáo dục, đào tạo. Tuy nhiên, phương án này vẫn đang phải chờ ý kiến của thành phố Vinh.

Trong bối cảnh số học sinh thi vào lớp 10 tăng cao, theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, phương án khả thi nhất là tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT, bằng cách tăng số lớp, tăng sỹ số học sinh/lớp. Ngành cũng sẽ tiếp tục tham mưu, kiến nghị thực hiện các phương án mở thêm phân hiệu trường THPT công lập trên địa bàn.

“Sở sẽ tham mưu tăng chỉ tiêu tuyển sinh của 3 trường công lập trên địa bàn thành phố Vinh. Dự kiến mỗi trường công lập sẽ tăng 3 lớp, ngoài ra, tăng sĩ số học sinh mỗi lớp, có thể từ 42 học sinh/lớp lên 45 - 50 học sinh/lớp. Tổng chỉ tiêu sẽ tăng khoảng 500 em. Đây là giải pháp khả thi để giảm áp lực tuyển sinh, đảm bảo quyền lợi cho học sinh.

Tuy nhiên, tăng thêm học sinh thì áp lực dạy và học của giáo viên, cũng như công tác quản lý của các trường cũng sẽ tăng theo”, ông Lợi chia sẻ.

TPHCM: 20.000 học sinh rớt trường công về đâu?

Học sinh lớp 9 tìm hiểu về chương trình lớp 10 của trường THPT Võ Trường Toản (quận 12, TPHCM). Ảnh: Nhàn Lê

Nhiều năm qua, kỳ thi vào lớp 10 tại TPHCM luôn được đánh giá là khốc liệt hơn cả kỳ thi đại học khi có khoảng 20.000 thí sinh rớt khỏi “đường đua” vào trường công. Học sinh không đậu vào trường công có thể theo học ở các trường trung cấp nghề, hệ giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, trường ngoài công lập...

Trao đổi với PV báo Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Thệ - Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp nhìn nhận việc có khoảng 20.000 thí sinh rớt lớp 10 công lập hằng năm tại TPHCM không bất thường.

Theo quy định về phân luồng học sinh, chỉ 70% học sinh sau tốt nghiệp Trung học cơ sở (THCS) tại TPHCM được tiếp tục học lớp 10 tại các trường Trung học phổ thông (THPT) công lập; 30% còn lại sẽ theo học bậc THPT ở các Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX), trường THPT ngoài công lập, trường nghề. Việc này nhằm đáp ứng thị trường lao động, giảm tình trạng thừa thầy, thiếu thợ.

Tuy nhiên, chuyên gia này thừa nhận, việc phân luồng hiện nay chưa thành công như mong muốn.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 – 2025 tại Nghệ An sẽ được tổ chức vào ngày 5 và 6/6/2024 với 3 môn thi: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Pháp). Năm nay, tỉnh này chính thức bãi bỏ phương thức xét tuyển vào lớp 10 bằng chứng chỉ ngoại ngữ.

“Các em rớt lớp 10 trường công sẽ tiếp tục học THPT ở các trường tư thục với mức học phí cao.

Đáng nói là, nhiều em trong số đó mông lung, không biết định hướng bản thân thích gì, không biết ra trường sẽ làm gì, dẫn đến tiếp tục “học đại” ở bậc đại học.

Trong khi đó, các trường nghề lại thiếu vắng người học. Đó là nghịch lý hiện nay” - ông Thệ chia sẻ.

Từ đó, chuyên gia này đề xuất việc tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THCS và cả phụ huynh phải được thực hiện bài bản, lâu dài để các em hiểu được “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Từ đó, các em sẽ có định hướng phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân. Cùng với đó, các trường nghề cũng phải tự nâng cấp mình.

Khi cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chất lượng giáo dục được nâng cao thì sẽ thu hút được người học.

Ông Đỗ Minh Hoàng - Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An (quận 5) nhìn nhận, nhiều phụ huynh vẫn có tâm lý ưa chuộng bằng cấp, không xem trọng học nghề.

Không đỗ vào trường công, các em bị xem như một đứa trẻ thất bại. Do đó, nhiều phụ huynh tìm mọi cách để con được vào trường công, nhưng không tìm hiểu về sở trường, định hướng nghề nghiệp, sở thích của các em.

“Có trường hợp nhà ở quận 5 nhưng vì muốn con học trường công nên phụ huynh đăng ký vào trường THPT Phong Phú (huyện Bình Chánh) vì nơi này điểm chuẩn thấp.

Đến khi đỗ vào trường thì không thể đi học vì quá xa nhà. Lúc này, phụ huynh lại muốn xin con vào học ở Trung tâm GDTX nhưng không được” - ông Hoàng nói.

Tại thành phố Vinh, mỗi năm Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên có hơn 500 học sinh đăng ký nhập học theo hình thức vừa học văn hóa, vừa học nghề. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT (lớp 12) hằng năm của trường đều đạt trên 98%. Với những học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 trường THPT công lập, nhiều cánh cửa khác vẫn mở ra để các em lựa chọn và phát triển năng lực.