Endo lớn lên cách nhà máy hạt nhân Daiichi của Fukushima chỉ 100 km. Khi cô 10 tuổi, một trận sóng thần chết người đã nhấn chìm hệ thống làm mát của nhà máy, gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân. Nó không chỉ khiến vùng đất của Endo chìm trong thảm họa mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của hàng triệu người Nhật Bản suốt nhiều năm sau này.
Gần 200.000 người sống gần đó đã phải sơ tán. Gia đình của Endo sống bên ngoài khu vực sơ tán nên được ở lại. Nhưng các quy định phòng tránh bức xạ tại trường học khiến những cậu bé, cô bé như Endo bị hạn chế nghiêm ngặt trong nhiều tháng.
Endo, vốn là một cô bé mê bóng đá, không còn cơ hội chơi bóng cùng lũ bạn. Tất cả bị khép kín bởi những bức tường, những hành lang nhỏ ở trường học. Endo kể lại rằng trong khi các bạn chơi trong lớp thì cô chỉ biết tìm niềm vui bằng cách rê trái bóng dọc hành lang.
Dần dần, Endo đã cải thiện khả năng xử lý bóng. Cô cũng thừa nhận rằng nó có “tác động tốt” đến khả năng kiểm soát bóng đá của mình sau này.
Những sự kiện lịch sử có lẽ đã tôi luyện nên con người của Jun Endo, tiền vệ sáng tạo bậc nhất ĐT nữ Nhật Bản. Cô chia sẻ về cơ duyên đến với bóng đá cũng như hoàn cảnh rèn luyện nên con người hiện tại. “Sau khi thảm họa hạt nhân xảy ra, tôi đã tính đến chuyện bỏ bóng đá", tiền vệ 22 tuổi nhớ lại.
"Tôi không thể chơi bóng vì sợ ảnh hưởng của thảm họa. Nhưng ngay khi tôi nghĩ đến việc bỏ cuộc thì Nhật Bản đã vô địch World Cup (2011). Tôi đã xem nó và tôi thực sự cảm thấy rằng một ngày nào đó tôi cũng muốn được đứng ở vị trí như các đàn chị.
“Tôi thích rê bóng, nhưng tôi bắt đầu thích cách chơi bóng như thế nhiều hơn. Kỹ thuật của tôi đã phát triển rất nhiều và xét về những gì thu được từ hoàn cảnh thì nó thực sự tốt".
Con đường đến với bóng đá của Endo nhờ đó thăng tiến nhanh chóng. Cô được Angel City tại Mỹ chiêu mộ, lọt vào tuyển Nhật Bản và trước mắt, cô sẽ là niềm hy vọng hàng đầu trên hàng công của các cô gái xứ hoa anh đào.
Có được như ngày hôm nay, có lẽ Endo sẽ phải "cảm ơn" thảm họa Fukushima, dù nó đã lấy đi rất nhiều sự tự do của cô.