Túp lều 3 m2 của cụ bà 75 tuổi dưới chân cầu Long Biên

Túp lều rộng chừng 3 m2, cao chừng 1 m, chỉ có thể khom người chứ không thể đứng. Nắng sông Hồng cùng hơi nóng từ nóc lều bạt khiến không khí bên trong ngột ngạt, vã mồ hôi.

Bà Chu Thị Lan (75 tuổi) sinh ra tại Hưng Yên nhưng phần lớn cuộc đời bà phải phiêu bạt nhiều nơi. Năm 14 tuổi, do hoàn cảnh khó khăn, bà lên Hà Nội mưu sinh bằng nghề lượm ve chai. Năm 17 tuổi, bà tham gia thanh niên xung phong trên Tây Bắc rồi lập gia đình nhưng do không có con nên hai vợ chồng ly dị. 25 tuổi, bà quay lại Hà Nội với nghề lượm ve chai, cũng theo người quen vào Sài Gòn tìm việc nhưng rồi tay trắng, bà quyết định trở về Hà Nội.

Sau hơn 60 năm lang bạt, bà chọn bãi giữa sông Hồng làm nơi trú chân cuối cùng. Mấy người hàng xóm đã giúp bà dựng một túp lều tạm để lấy chỗ chui ra chui vào. Túp lều chỉ rộng chừng 3 m2, nằm ngay ven sông Hồng, dưới chân cầu Long Biên. Ban ngày, bà đi bộ hàng chục km vào nội thành để lượm ve chai; tối đêm hẳn, bà mới lầm lũi trở về.

Bà cho biết do không có con cái cũng như người thân ở bên cạnh, túp lều dù xập xệ nhưng là nơi nương tựa duy nhất của mình. Trung bình thu thập của bà chỉ 25.000-30.000 đồng/ngày, những hôm ốm yếu, bà buộc phải ở nhà nghỉ, không có tiền nên đành ăn uống qua bữa.

Do mưa gió và thời gian, túp lều ngày càng xập xệ hơn, bà phải lên kế hoạch "đại trùng tu" nơi ở của mình. Hằng ngày, bên cạnh việc lượm ve chai, thấy có tấm ván hay chiếc cọc nào bỏ đi, bà đều xin hoặc nhặt về để tu sửa lều. Mỗi ngày một chút, dần dần nó cũng được gia cố hơn so với trước đây.

Chỗ ngủ được làm từ những chiếc ván bà nhặt nhạnh được trong lúc đi lượm ve chai. Bà bảo, tuy nó hơi đau lưng nhưng cũng khá mát. Hồi còn khỏe, bà rất ít khi về lều mà ngủ ở các gầm cầu hay ghế đá trong nội thành. Nhưng giờ đã yếu, mùa đông Hà Nội cũng lạnh hơn nên hằng đêm, bà đều trở về túp lều của mình.

Trong lều, bà không có bất cứ tài sản gì đáng giá, ngoài vài chiếc chăn, gối được tặng và chiếc nồi để nấu nướng. Bả kể thi thoảng cũng có một vài người làm từ thiện, đến hỏi thăm và biếu bà chút quà, mỗi lúc như thế, bà vui lắm.

Gian bếp được đặt ngay tại cửa ra vào, với chiếc nồi mà bà tích cóp cả tháng mới có thể mua được. Do phải đi lượm ve chai cả ngày nên cũng ít khi bà ăn cơm ở nhà, cứ lang thang khắp các con phố, kiếm cái gì đó ăn tạm cho qua bữa, hoặc may mắn thì được ai đó tốt bụng cho chút đồ ăn.

Tất cả dụng cụ, đồ đạc để dựng lều đều do một tay bà gom góp từng ngày. Xung quanh lều, bà chỉ dựng bằng các tấm ván, cao khoảng 30-40 cm, phần còn lại để trống. Bà bảo làm vậy thì gió sông mới vào được, mùa hè đỡ nóng. Đến mùa đông, bà buông tấm bạt trên nóc lều xuống, trùm kín nên sẽ ấm hơn.

Không có tiền mua dây thép, những mối buộc tạm bợ được bà dùng bằng dây mềm. Lâu ngày, do ngấm nước mưa, những sợi dây này bị mục nên bà sẽ phải thay thế chúng. Để lều không sập bất ngờ vì dây bị đứt, bà thường xuyên kiểm tra các mối buộc này, nhất là sau những độ mưa nhiều.

Bà khoe sau nửa tuần tự mình đào và xúc đất, nền của túp lều đã được nâng cao hơn. Trước đây, cứ mỗi lần mưa lớn, nước sông dâng lên tận cửa, nước mưa từ phía trên bờ "rủ" nhau tràn vào lều, mọi đồ đạc trong nhà đều ướt hết. Bây giờ nền đã được đắp cao, không sợ bị nước tràn vào nữa.

Mời khách vào "tham quan" túp lều, bà cười rất tươi, bảo mới được các anh chị từ thiện tặng mấy tấm nhựa cứng để lợp lên nóc. Trước lợp bằng bạt, chỉ cần mấy bữa nắng mưa là thủng lỗ chỗ, mỗi lần mưa là dột như ngoài trời. Bây giờ có tấm nhựa, mưa to cũng không sợ bị dột.

Bà cũng rào một khoảnh đất để làm vườn, trồng ít rau lang nhưng trồng mãi mà rau không tốt để có thể hái. Mấy hôm nay phải ở nhà sửa lều rồi nâng nền nên không thể đi lượm ve chai, bà cũng thấy buồn lắm. Đi làm tuy vất vả nhưng có đồng ra đồng vào, lên phố lại có nhiều người nên đỡ cô đơn. Không có người thân bên cạnh, một mình bà với túp lều nhiều khi thấy tủi thân.

Khi hỏi tại sao bà không về quê, bà bảo muốn về quê lắm, vì bây giờ chẳng có ai bên cạnh nhưng ông anh trai duy nhất vừa mới qua đời vì bệnh tật, bà chị dâu vốn không ưa gì và cũng không muốn bà về, thậm chí còn đuổi đi. Thế nên, dù có muốn về, nghĩ đến hoàn cảnh vậy bà lại đành thôi.

Theo Theo PLO