Tù hai năm nếu từ chối cấp tin cho báo chí

TP - Theo Luật Minh bạch công có hiệu lực từ năm 2010 tại Indonesia, quan chức từ chối cung cấp thông tin cho báo chí có thể bị phạt tù tới hai năm cùng khoản tiền phạt 10 triệu rupiad (18,5 triệu đồng).
Trụ sở Ủy ban Chống tham nhũng Indonesia. Ảnh: NYT

Đây là nỗ lực mới của chính quyền Indonesia trong cuộc chiến chống tham nhũng, đặc biệt trong lĩnh vực công.

Tại cuộc hội thảo về cải thiện dịch vụ công, ông Paskah Suzetta, Quốc Vụ khanh, người đứng đầu Cơ quan Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia, phát biểu với báo chí: "Chính phủ đảm bảo luật sẽ được triển khai tốt ở mọi cơ quan. Đây là một phần của nỗ lực nhằm gia tăng trách nhiệm của chính quyền qua sự kiểm soát của công luận".

Hajriyanto Tohari, thành viên tham dự hội thảo thuộc đảng Golkar ở Quốc hội Indonesia, nhấn mạnh, Luật Minh bạch công trao quyền cho báo chí trong việc tiếp cận thông tin từ các cơ quan nhà nước. Những thông tin này cuối cùng đều phải được công bố cho công chúng. 

"Không có lý do gì để quan chức tham nhũng che đậy thông tin hé lộ sự liên quan của họ với tham nhũng. Luật là công cụ để báo chí có thể tiếp cận thông tin từ các cơ quan bị nghi ngờ dính líu tham nhũng", Nghị sĩ Tohari nói.

Luật Minh bạch công được Quốc hội Indonesia thông qua ngày 30/4/2008, cho phép trừng phạt những người cố tình che đậy thông tin hoặc ngăn chặn công chúng tiếp cận thông tin mà họ cần biết.

Để đảm bảo đạo luật được áp dụng tốt, Chính phủ sẽ thành lập cơ quan đặc biệt gọi là Ủy ban Thông tin và sẽ sớm đi vào hoạt động. Ngoài việc áp dụng đạo luật trên, Indonesia còn có Ủy ban Chống tham nhũng (KPK), Cơ quan Giám sát tham nhũng (ICW) và Tòa án chuyên xét xử tội tham nhũng.

Các cơ quan này đều được trao đặc quyền và hoạt động tương đối độc lập trong việc phát hiện, điều tra và xét xử tội tham nhũng. Nhiều vụ tham nhũng lớn gần đây ở Indonesia được đưa ra ánh sáng và hàng loạt quan chức cấp cao phải lĩnh án tù.