TSKH Nguyễn Quốc Bình: Một tháng nữa dịch Covid-19 sẽ đạt đỉnh

TP - Là một trong những chuyên gia hàng đầu về công nghệ sinh học, tiến sỹ khoa học (TSKH) Nguyễn Quốc Bình (Việt kiều Canada), nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, chia sẻ với PV Tiền Phong về virus corona, dịch Covid-19 và các biện pháp phòng chống một cách hiệu quả.    
Đo thân nhiệt cho hành khách để kiểm soát dịch tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, TPHCM

Theo ông, chủng mới virus corona gây dịch Covid-19 này phát sinh từ đâu và đến lúc nào  thì dịch Covid-19 sẽ đạt đỉnh?

Virus corona có độ tương đồng rất cao so với các dòng virus có trong các loại động vật hoang dã. Do vậy, khả năng đột biến từ các dòng virus không gây bệnh từ động vật hoang dã lây nhiễm sang người là rất lớn. Xét trên góc độ khoa học, khả năng các virus này phát triển từ một biến thể của virus trên động vật hoang dã là cao hơn so với nghi vấn thiếu cơ sở, rằng virus bị phát tán từ phòng thí nghiệm.

Qua phân tích, virus gây ra dịch Covid-19 có nhiều tương đồng so với virus đang còn hiện diện trên các động vật hoang dã. Khi virus biến thể thì có thể xâm nhiễm qua người. Bình thường, các virus trên động vật hoang dã không xâm nhiễm qua người do những đặc tính về loài, nhưng virus có một đặc tính là rất dễ biến thể. Rất có thể một biến thể nào đó của virus đã xâm nhiễm được qua người một cách ngẫu nhiên. Và, một khi đã xâm nhiễm qua người thì nó tiếp tục biến thể và lây nhiễm từ người qua người một cách tương đối dễ dàng.

TSKH Nguyễn Quốc Bình, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM

Với các biện pháp cách ly triệt để cũng như kinh nghiệm chữa trị thành công trong thời gian qua, tôi cho rằng sau một tháng nữa dịch Covid-19 sẽ đạt đỉnh và sau đó sẽ được khống chế tốt ở Trung Quốc. Biểu đồ phát triển của dịch bệnh và theo kinh nghiệm của tôi thì hiện nay dịch bệnh vẫn chưa đạt đỉnh.

Việt Nam có nguy cơ bùng phát dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc hay không, theo ông?

Trung Quốc, Hàn Quốc đang có thời tiết lạnh, khả năng lây nhiễm cao hơn so với Việt Nam. Việt Nam đã có thông tin và có những ca lây nhiễm virus từ sớm nên đã chủ động có những biện pháp phòng ngừa. Miền Trung trở vào lại đang trong thời kỳ nắng nóng, khả năng lây nhiễm và lây lan là rất thấp. Những vùng khí hậu nóng thì tồn lưu của virus bên ngoài cơ thể khá ngắn, chỉ tính bằng giờ.

Trong khi đó, các vùng lạnh đang là điểm nóng về siêu lây nhiễm hiện nay như Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran… virus khi ra ngoài cơ thể, tồn lưu của nó có thể kéo dài hàng tháng, khả năng lây nhiễm cao hơn. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan. Dịch có thể bùng phát nếu không có biện pháp kiểm soát y tế đối với số lượng lớn người trở về từ Trung Quốc, Hàn Quốc.

Người dân cần làm gì để bảo vệ sức khỏe và tránh dịch lây lan trong cộng đồng?

Hiện nay, người dân phòng ngừa lây nhiễm bằng cách dùng các chất diệt khuẩn có thành phần chính là cồn 70 độ. Các chất khử khuẩn này đã được chứng minh là rất tốt. Tuy nhiên, đối với người dân thì những chất khử khuẩn đó không có sẵn, không tự làm được và có một hạn chế là chỉ có tác dụng diệt virus tức thời. Sau khi phun xịt, trong một thời gian ngắn thì sẽ không còn tác dụng vì cồn sẽ bay hơi.

Điểm yếu của virus là lớp vỏ của nó rất dễ biến tính và mất đi khả năng xâm nhiễm nếu tiếp xúc trong môi trường axit hoặc môi trường kiềm mạnh. Một trong những cách phổ biến để diệt virus hiện nay ở nhiều nơi là người ta làm một bể chứa dung dịch axit hữu cơ hay dung dịch kiềm và lội qua. Đối với người dân, phương pháp diệt virus đơn giản nhất là dùng các dung dịch axit hữu cơ mạnh như axit citric có trong quả chanh.

Nước chanh không gây mùi khó chịu như dấm và tồn lưu rất lâu trên bề mặt cơ thể, vật dụng. Lau tay bằng nước chanh thì axit tồn lưu trên tay rất lâu và có khả năng diệt trừ, làm mất khả năng lây nhiễm của virus lâu hơn rất nhiều so với rửa tay bằng cồn. Các vật dụng, bề mặt tiếp xúc cũng có thể dùng nước chanh, dấm pha loãng để lau chùi. Ngoài khả năng làm biến tính virus tức thời, tồn lưu của nước chanh, dấm cũng không bốc hơi và sẽ tiếp tục phát huy tác dụng nếu sau đó virus tiếp tục bám vào.

Cần khuyến khích người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Khẩu trang y tế không đủ thì có thể dùng khẩu trang vải và tái sử dụng. Mỗi người chuẩn bị 3 khẩu trang vải. Khi đến chỗ đông người thì nên đeo vào, sau đó tháo ra, bỏ vào túi mang về khử trùng bằng cách giặt trong môi trường axit, kiềm, nấu chín hoặc hấp lại là xong.

Việc phòng chống dịch tại nhà chưa thực sự đúng cách. Nhiều người vẫn chưa chú ý  đến những nơi mà virus có thể lây nhiễm qua trung gian như cánh cửa, bắt tay… Sắp tới, các cơ quan chuyên môn cần tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng tránh lây nhiễm trực tiếp qua tiếp xúc. Nếu làm tốt việc này, tôi tin rằng nguy cơ dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng sẽ giảm.

Đã hơn nửa tháng qua Việt Nam chưa ghi nhận có ca nhiễm mới. Có nên cho học sinh đi học vào thời điểm này?

 Học sinh lớn đã có ý thức ngăn ngừa tự chủ thì có thể cho đi học, như sinh viên đại học, học sinh cấp 3. Những học sinh nhỏ tuổi, chưa có ý thức tốt về phòng tránh lây lan, lây nhiễm bệnh thì nên cho các cháu nghỉ thêm một thời gian. Tuy nhiên, vấn đề là không thể nghỉ lâu dài, ảnh hưởng đến mọi hoạt động của xã hội.

Chúng ta có thể tổ chức các hình thức học tập khác như học trực tuyến (online), tổ chức các nhóm, các nhà trẻ được tổ chức tốt, hạn chế các môn học tiếp xúc nhiều như thể dục. Cho đi học ồ ạt trở lại ngay sẽ có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh không nhỏ. Chờ hết dịch mới đi học thì có khi phải nghỉ cả năm vì tôi cho rằng phải đến cuối năm nay dịch mới chấm dứt.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng cho học sinh đi học thì sẽ phòng tránh lây nhiễm tốt hơn so với cho các em nghỉ học?

Không đúng. Ở trường học tập trung đông hơn. Giọt hỗn hợp chứa virus nếu bắn vào môi trường, nơi tập trung đông người thì khả năng lây nhiễm là rất cao. Có một vấn đề khoa học chưa giải thích được là tỷ lệ mắc bệnh trên các bệnh nhân nhỏ tuổi rất thấp. Dịch Covid-19 dễ lây lan trên nhóm bệnh nhân trên 15 tuổi. Tỷ lệ lây nhiễm trong nhóm trẻ nhỏ thấp không có nghĩa là không lây lan trong môi trường trường học. Các em tiếp xúc, đùa giỡn với nhau nhiều hơn. Còn cho các em ở nhà thì giống như biện pháp cách ly tại chỗ.

Ông đánh giá như thế nào về các biện pháp ngăn ngừa từ xa mà chúng ta đang thực hiện?

Cách ly tại nhà giúp những người bị cách ly cảm nhận được cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, cách ly tại nhà để theo dõi nên cần có những biện pháp nhẹ nhàng so với việc cách ly đối với người nghi nhiễm và thông tin đầy đủ để tránh gây tâm lý lo lắng thái quá cho cộng đồng.

Chúng ta cần có những kit chẩn đoán để có kết quả xác định có mắc bệnh hay không một cách nhanh chóng nhất. Hiện nay có những kit xét nghiệm có thể cho ra kết quả trong vòng 2 tiếng và kết quả cuối cùng xác định có mắc bệnh hay không chỉ mất khoảng 6 tiếng. Việc chẩn đoán nhanh sẽ còn giúp hạn chế những thiệt hại về kinh tế. Đối với những người bị sốt, nghi nhiễm virus, mình nên có kết quả trong ngày hoặc muộn nhất là sau 24 tiếng. Tốc độ xét nghiệm của mình hiện nay còn chậm. 

Ông có khuyến cáo gì với người dân trong việc ứng phó Covid-19?

Việt Nam chưa có nguồn lây nhiễm cụ thể nên người dân cảnh giác vừa phải nhưng cũng không được chủ quan. Cần hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người và nên rửa tay thường xuyên bằng nước chanh, tránh ăn đồ sống...      

Cảm ơn ông.

TSKH Nguyễn Quốc Bình từng là giảng viên Trường Đại học Tổng hợp TPHCM, được Chính phủ Pháp cấp học bổng chương trình thạc sỹ (2 năm) và tiến sỹ (3 năm) tại Đại học Paris 11. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sỹ về công nghệ sinh học, ông tiếp tục chương trình sau tiến sỹ và tham gia nghiên cứu, giảng dạy tại Đại học Laval ở Québec (Canada).