Truyền lửa tình yêu ví dặm

TP - Sáng ngày 17/7 các thí sinh Chung khảo phía Bắc đã có buổi giao lưu học hát ví dặm cùng NSND Hồng Lựu và các nghệ sĩ từ Trung Tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ.
NSND Hồng Lựu truyền lửa tình yêu ví dặm cho các thí sinh Hoa hậu. Ảnh: Như Ý

Sau phần biểu diễn một số ca khúc ví dặm nổi tiếng của các ca sĩ, NS Hồng Lựu đã chia sẻ nhiều thông tin cơ bản nhất kèm làn điệu ví dụ để các thí sinh hình dung được về nghệ thuật di sản được Unesco tôn vinh. Các bạn đầy hào hứng bước vào phần học hát hai bài “Thử lòng thủy chung” và “Giận thương”.

Thí sinh Nguyễn Thị Thu Tâm nói giọng Sài Gòn đặc sệt bày tỏ phấn khích khi nghe kể chuyện nguồn gốc và giai điệu ví dặm. Mẹ của Tâm quê gốc Nam Ðàn, Nghệ An, chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống từ trẻ, hiện tại trong nhà thỉnh thoảng mẹ Tâm vẫn nói tiếng Nghệ cho đỡ nhớ. Lần này ra quê ngoại nghe dân ca, Thu Tâm thích nhất phần NSND Hồng Lựu giải thích những từ thuộc phương ngữ trong lời ví dặm như “nỏ”, “mô”, “rứa”, “nhủ”.... “Có lẽ trong người em có dòng máu Nghệ An nên em thấy yêu luôn từng câu hát, mặc dù chưa hiểu hết nghĩa”. Tâm bày tỏ sự ngưỡng mộ với những phụ nữ của quê ngoại “họ mạnh mẽ, đằm thắm và tự tin”.

Thí sinh Trần Ngọc Lâm (Học viện báo chí) rất thích cách nghệ sĩ Hồng Lựu truyền lửa với giới trẻ về nét đẹp riêng có của dân ca ví dặm. Từ thời phong kiến người con gái xứ Nghệ Tĩnh đã tự tin cởi mở muốn tự mình tìm ý trung nhân, thay đổi số phận qua câu hát. Trong khi hát ví dặm chỉ người con gái mới được ra vế đối để người con trai hát đáp lại. Ðiều đó rất đặc biệt kể cả trong xã hội bây giờ khi mà nhiều người vẫn còn mang tư tưởng trọng nam khinh nữ, nữ sinh báo chí tâm đắc.

Trong buổi tập hát, Ðinh Phương Mỹ Duyên (ÐH Kinh tế Nghệ An) tiếp thu cách hát ví dặm khá nhanh, hỏi ra mới biết Duyên sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nghệ thuật tại thành phố Vinh. Mỹ Duyên vừa biết hát và múa. Duyên từng hát đơn ca tại các sự kiện nhạc hội của trường nhưng là nhạc trẻ, đây là lần đâu tiên cô hát dân ca. Duyên chia sẻ, buổi học rất thú vị nhưng vui nhất là khi  cô Lựu  giới thiệu về ngôn ngữ địa phương. “Tại vòng thi này, việc em nói giọng Nghệ An đôi khi cũng hơi khó để các bạn hiểu , trong lòng em rất muốn có cơ hội bày tỏ  với các bạn (cũng như người tỉnh khác) về sự phong phú và điểm đặc biệt của ngôn ngữ quê hương. Cô Hồng Lựu đã giúp em làm điều đó”.

Ví Dặm là đặc sản, niềm tự hào của người Nghệ Tĩnh. Nếu có cơ hội tham gia quảng bá di sản tỉnh nhà em sẽ mời các nghệ sĩ nổi tiếng đến biểu diễn, trò chuyện tại các trường phổ thông không chỉ ở Nghệ An Hà Tĩnh mà các tỉnh khác trong nước mình. Nghe hát và hiểu từng ý nghĩa câu ví, làn điệu là cách nhanh nhất để giới trẻ quan tâm yêu thích nghệ thuật hát dân ca độc đáo này, Mỹ Duyên hy vọng.

Ðến từ Bắc Ninh, Nguyễn Thị Ngọc Nhung (ÐH Ngoại thương) cho biết từ hồi nhỏ cô đã được nghe ông ngoại và các liền anh liền chị hát quan họ tại hội Lim. Nhung nhận thấy dân ca của địa phương nào cũng có sức cuốn hút riêng. Dân ca Bắc Ninh là hát giao duyên ngẫu hứng, còn ví dặm thì hát như nói, nói như hát. Lối hát tự do phóng túng, người hát đối đáp tùy thuộc vào tâm thế lúc đó. Cô gái gốc Bắc Ninh bày tỏ đã sẵn sàng truyền đạt những thông tin nhận được từ buổi học hôm nay cho các bạn bè quan tâm và sẽ tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về ví dặm. Qua buổi học, cô đã biết “ví là ví von, dặm là chêm (dặm) thêm vào. Có nhiều làn điệu ví như sông Lam, sông La, ví Nước ngược.... Làn điệu dặm có nhiều phường dặm khác nhau như dặm phường Vàng, phường Võng, phường Chuối...”.

Ðồng hành cùng buổi giao lưu học hát nghệ sĩ Minh Thành (Trung tâm Bảo tồn Ví dặm) bày tỏ “không nghĩ các bạn hát được 2 làn điệu Dặm kể và Giận thương trong một buổi học. Do đặc thù phương ngữ, người miền khác rất khó học ví dặm thế mà hầu hết các thí sinh Hoa hậu hát được”.