Dữ liệu chính xác, thủ tục nhanh hơn
Chuẩn bị ra khơi đánh bắt dài ngày trên biển, ông Phạm Y (chủ tàu cá KH 98658, ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) có mặt tại cảng cá Hòn Rớ, TP Nha Trang để làm thủ tục xuất cảng. Khác với trước đây, ông Y phải thực hiện thủ tục bằng văn bản giấy mất nhiều thời gian, thì nay các thủ tục này được ông thao tác nhanh gọn trên phần mềm eCDT đã cài sẵn trên điện thoại.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Phạm Y cho biết: Bây giờ, mình không cần viết các loại giấy tờ như ngày xưa nữa. Tất cả thông tin về tàu cá như xuất, nhập cảng, sản lượng khai thác sau mỗi chuyến đều chỉ cần khai báo qua phần mềm eCDT này. “Ví dụ thuyền viên mà người nào nghỉ hay thay thế, trước là phải khai báo giấy tờ rất mất thời gian, nay chỉ cần cập nhật thẻ Căn cước công dân của thuyền viên đó vào phần mềm là xong", ông Y nói thêm.
Còn ngư dân Nguyễn Tấn Lầu (ở phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang) đã sử dụng phần mềm eCDT được 3 tháng nay. Ông Lầu cho hay: Đối với các bạn còn trẻ tuổi thì tiếp cận cái phần mềm này rất nhanh, còn tôi do đã có tuổi rồi nên giai đoạn đầu sử dụng có hơi chậm. Nhưng nhờ có sự hướng dẫn, hỗ trợ từ các nhân viên ở cảng và cả các thuyền viên khác nên dần dần tôi đã sử dụng được thành thạo.
"Chỉ cần mở phần mềm lên là ở đơn vị quản lý sẽ biết chi tiết số tàu, số thuyền viên, cập cảng nào, ngày ra vào cảng của tàu tôi. Cái phần mềm này nó hỗ trợ cho bà con ngư dân có bộ dữ liệu thông tin chuẩn, mình thay đổi thông tin gì thì mới cập nhật vào còn không cứ theo đó mà làm", ông Lầu nói.
Ông Nguyễn Văn Ba - Trưởng Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ, cho biết: Ứng dụng phần mềm eCDT đã giúp ban quản lý tiết kiệm được rất nhiều thời gian và nguồn nhân công khi triển khai kiểm soát tàu thuyền ra vào cảng và phục vụ làm thủ tục cho bà con ngư dân. “Quan trọng nhất, cơ sở dữ liệu khi đưa vào cái hệ thống này thì mình sẽ kiểm soát được theo một quy trình chuẩn và đảm bảo tính khách quan, minh bạch nhất”, ông Ba nhấn mạnh.
Nhiều ngư dân lúng túng
Dù eCDT được đánh giá là phần mềm không quá phức tạp nhưng với một số ngư dân vẫn rất bỡ ngỡ khi tiếp cận với công nghệ mới. Ông Huỳnh Thương (chủ tàu cá BĐ 98219, ở tỉnh Bình Định) nói: Điện thoại của ông đã được các nhân viên ở cảng hỗ trợ cài phần mềm eCDT từ cách đây mấy tháng nhưng đến nay ông vẫn đang khai báo trực tiếp nhật ký khai thác bằng văn bản như trước đây.
"Chắc chắn là so với viết tay thì sử dụng công nghệ sẽ thuận tiện hơn rất nhiều. Tuy nhiên, hiện tại tôi chưa biết sử dụng phần mềm này nên vẫn cứ khai báo như cũ cho xong đã. Khi cần thì tôi sẽ nhờ đứa cháu đi chung tàu quen hơn thực hiện hộ hoặc đến cảng nhờ các anh nhân viên ở cảng hỗ trợ thêm", ông Thương cho biết.
Theo Trưởng Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ, dù ban quản lý đã tuyên truyền và phối hợp với các đơn vị chức năng hướng dẫn cho bà con nhưng do phần mềm eCDT đang trong quá trình hoàn thiện cũng như trình độ của ngư dân khác nhau nên nhiều người còn đang lúng túng. Do đó, việc phục vụ thực hiện các thủ tục cho bà con vẫn cần ban quản lý cảng và các lực lượng hỗ trợ rất nhiều.
Nỗ lực gỡ “thẻ vàng” cho khai thác thủy sản
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Khánh Hòa đã trang bị thêm 4 máy tính bảng (loại máy Kiosk tự phục vụ), lắp đặt tại các văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá của các cảng Hòn Rớ, Đá Bạc, Vĩnh Lương, Đại Lãnh của tỉnh này để ngư dân có thể thực hiện thao tác trực tiếp tại cảng cá.
Đến nay, các cơ quan quản lý đã thực hiện thủ tục đối với hơn 3.200 lượt tàu cá xuất cảng, gần 3.000 lượt tàu cá cập cảng, cấp hơn 700 biên nhận bốc dỡ hải sản qua cảng và cấp 67 xác nhận thủy sản khai thác trên hệ thống eCDT.
Ông Nguyễn Duy Quang - Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa, khẳng định: Trong thời đại công nghệ số, ứng dụng phần mềm eCDT vào trong quản lý để minh bạch hoá các bước truy xuất nguồn gốc, tiến tới tự động hóa hoàn toàn quy trình để thay thế cho việc truy xuất trên bản giấy như hiện nay là yêu cầu tất yếu. Đây cũng là yêu cầu của EC đối với quản lý nghề cá của Việt Nam trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thuỷ sản khai thác.
“Khi ứng dụng phần mềm được triển khai đồng bộ, hiệu quả từ các thành phần tham tham gia (ngư dân, cảng cá, Biên phòng, Chi cục Thuỷ sản, doanh nghiệp xuất khẩu - PV) sẽ minh bạch, truy xuất rõ ràng nguồn gốc đối với các sản phẩm thủy sản khai thác trong nước. Điều này góp phần gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với thuỷ sản khai thác của Việt Nam. Từ đó mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản của cả nước nói chung và Khánh Hòa nói riêng mở rộng được thị trường, các doanh nghiệp đối tác trong việc xuất khẩu Châu Âu, cũng như các thị trường khác trên thế giới”, ông Quang cho hay.
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, trong thời gian tới tỉnh này sẽ triển khai thực hiện trên hệ thống eCDT toàn bộ 100% các hoạt động gồm: Xác nhận xuất, nhập bến của tàu cá; kiểm soát thống kê sản lượng qua cảng cá; cấp biên nhận bốc dỡ sản phẩm thuỷ sản qua cảng; cấp xác nhận nguyên liệu thuỷ sản khai thác và chứng nhận nhận thuỷ sản khai thác.