Doanh nhân 45 tuổi xưng là Peter để giấu tên thật vì lý do an ninh. Anh sống ở thành phố Ôn Châu và là một trong số hàng ngàn người gửi tiền ở ngân hàng đang phải đấu tranh để lấy lại khoản tiền tiết kiệm của mình tại ít nhất 6 ngân hàng nhỏ ở miền trung của Trung Quốc.
“Tôi muốn phát điên, không thể ngủ nổi", Peter nói với CNN.
Khi Peter muốn đăng nhập vào tài khoản trực tuyến của mình, trang web của ngân hàng chỉ hiện thông báo trang chủ đang được bảo trì và các dịch vụ sẽ gián đoạn trong một thời gian. Sau 2 tháng, dịch vụ vẫn chưa được khôi phục.
Tại Trung Quốc, các ngân hàng địa phương chỉ được phép nhận tiền gửi tiết kiệm từ khách hàng. Nhưng trong vụ bê bối lần này, bên thứ ba là nền tảng trực tuyến đã nhận tiền từ người gửi.
Giới quản lý ngân hàng cáo buộc một cổ đông lớn của 4 ngân hàng đã rút tiền trái phép của người gửi tiền.
“Tập đoàn Tân Tài Phú Hà Nam, một cổ đông lớn của 4 ngân hàng nông thôn, đã rút tiền của người gửi dựa trên sự thông đồng bên trong và bên ngoài, sử dụng nền tảng của bên thứ ba và môi giới”, Uỷ ban Quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc nói với hãng thông tấn Xinhua hồi tháng 5.
Vấn đề của hệ thống
Nhiều ngân hàng nhỏ được mở ra ở Trung Quốc trong những năm gần đây, trong đó một số bị cáo buộc có hoạt động sai trái. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng một vấn đề tài chính lớn hơn có thể sắp xảy ra, do hậu quả của tình trạng vỡ bong bóng trên thị trường bất động sản và gia tăng nợ xấu do đại dịch COVID-19.
Chưa có con số chính thức nào về tổng số tiền gửi mà người dân không thể rút, nhưng có đến 400.000 khách hàng trên khắp Trung Quốc đang rơi vào tình trạng không thể tiếp cận khoản tiền tiết kiệm của mình, theo ước tính mà tạp chí Sanlian Lifeweek đưa ra hồi tháng 4.
Đó chỉ là một giọt nước trong đại dương của hệ thống ngân hàng rộng lớn của Trung Quốc, nhưng 1/4 tổng tài sản của ngành này đang được để trong khoảng 4.000 ngân hàng nhỏ, nơi có cấu trúc quản trị và sở hữu không rõ ràng, vì thế dễ xảy ra tham nhũng và sai sót, các chuyên gia nhận định.
“Quy mô các vụ bê bối ngân hàng mà trong đó lãnh đạo ngân hàng biển thủ tiền của người gửi rất đáng báo động, và vụ bị phơi bày chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”, Frank Xie, giáo sư chuyên nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc tại ĐH Nam Carolina, nói với CNN.
Tháng trước, hàng trăm người gửi tiền đã kéo đến Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, để biểu tình bên ngoài trụ sở của cơ quan quản lý ngân hàng và đòi tiền.
Một đợt biểu tình khác được lên kế hoạch trong tháng 6, nhưng khi đến Trịnh Châu, người gửi tiền thấy mã y tế của họ chuyển sang màu đỏ. Những người có mã y tế màu đó đều bị cấm đến địa điểm và phương tiện giao thông công cộng.
Đầu năm 2021, Bắc Kinh cấm các ngân hàng bán sản phẩm tiền gửi qua nền tảng trực tuyến bên thứ ba, sợ rằng sự mở rộng nhanh chóng của ngành công nghệ tài chính ngân hàng sẽ làm tăng rủi ro cho hệ thống tài chính. Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc gọi cách làm này là “hoạt động tài chính bất hợp pháp”.
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều ngân hàng nhỏ ở Hà Nam phớt lờ lệnh cấm để tiếp tục huy động tiền gửi.
Cơ quan quản lý Trung Quốc cho biết các nền tảng trực tuyến do bên thứ ba cung cấp giúp họ vượt qua những hạn chế về khoảng cách địa lý và mở rộng hoạt động ra cả nước. Trường hợp của Peter là một ví dụ, khi nơi anh sinh sống cách các ngân hàng ở Hà Nam hơn 1.000 km.
Đối với Hà Nam, báo chí chính thống cho biết các sản phẩm tiền gửi được bán qua những nền tảng liên kết hoặc thuộc sở hữu của những tập đoàn công nghệ lớn như Baidu và JD.com.