Trung - Mỹ làm gì trong 90 ngày ‘đình chiến’?

TPO - Sẽ có nhiều cuộc thương lượng, mặc cả nảy lửa, nhiều chuyến ngoại giao con thoi của nhiều quan chức các cấp là những gì hai cường quốc hàng đầu thế giới Trung-Mỹ sẽ hành động trong 90 ngày tới.
Ảnh: Reuters.

Ngay sau khi đạt được Hiệp định “đình chiến” thương mại trong thời gian 90 ngày trên bàn tiệc tối ngày 1/12 bên lề Hội nghị G-20, cả Trung Quốc và Mỹ ngay lập tức thúc đẩy một loạt các hoạt động nhằm đạt thỏa thuận mà hai bên "đều có thể chấp nhận được".

Động thái rõ nét nhất đến từ Mỹ là việc chính quyền Washington xác nhận, Tổng thống Mỹ Donald Trump là người dẫn đầu các cuộc đàm phán thương mại với phía Trung Quốc.

 Hôm 3/12, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ra thông báo cho biết, Tổng thống Donald Trump sẽ dẫn đầu cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. “Mỹ cần nhìn thấy điều gì đó cụ thể từ phía Trung Quốc trong vòng 90 ngày tới nhằm xây dựng một thỏa thuận thực sự”, ông Steven Mnuchin nhấn mạnh.

Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro thông báo, Đại diện Văn phòng đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ dẫn đầu vòng đàm phán với Trung Quốc liên quan vấn đề thuế quan, tiếp cận thị trường và các thay đổi cấu trúc đối với thông lệ sở hữu trí tuệ trong vòng 90 ngày tới.

 Phát biểu với Đài phát thanh Công cộng quốc gia, ông Navarro cho biết, ông Robert Lighthizer, sẽ phụ trách các cuộc đàm phán này. "Ông ấy là nhà đàm phán cứng rắn nhất mà chúng tôi từng có tại Văn phòng đại diện thương mại Mỹ và ông sẽ nỗ lực từng chi tiết nhất để giảm thuế quan, hạ hàng rào phi thuế quan, và chấm dứt toàn bộ những thông lệ cấu trúc gây cản trở sự tiếp cận thị trường", ông Navarro nói.

 Trong khi Mỹ thay nhà đàm phán, thì Trung Quốc cũng xúc tiến ngoại giao với Mỹ bằng việc cử Phó thủ tướng Lưu Hạc-phụ trách đàm phán thương mại với Mỹ, dẫn đầu đoàn đàm phán gồm hơn 30 quan chức đến Washington.

 “Thời báo Tài chính” của Anh hôm 3/12 dẫn nhiều nguồn tin thân cận cho biết, nhiều khả năng ông Lưu Hạc sẽ có chuyến thăm Mỹ vào ngày 12/12 tới, với mục đích chính là tiến hành đàm phán với phía Mỹ về vấn đề thương mại.

 Xung quanh thông tin về việc ông Lưu Hạc thăm Mỹ, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng trong cuộc họp báo hôm 3/12 cho biết: “Đoàn công tác của hai bên sẽ tăng cường các cuộc tiếp xúc theo nhận thức chung đã đạt được giữa nguyên thủ hai nước, tranh thủ sớm đạt được Hiệp định cùng có lợi cùng thắng”.

 Các nhà phân tích cho rằng, một loạt các động thái trên của Mỹ và Trung Quốc cho thấy, cả hai hiện đang có những toan tính của mình để làm sao thu được kết quả tốt nhất cho các cuộc đàm phán sắp tới.

 Đối với Mỹ, trong 5 vòng đàm phán trước đó với phía Trung Quốc, nhân vật đứng đầu phía Mỹ là Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Louis Ross, cả 2 nhân vật này đều có quan điểm ôn hòa trong giải quyết vấn đề tranh chấp thương mại với Trung Quốc.

 Vì vậy, với việc thay nhà đàm phán có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc cho thấy Tổng thống Trump thực sự muốn Trung Quốc phải nhượng bộ nhiều để xoa dịu những chỉ trích của phái diều hâu trong chính phủ Mỹ.

 Trong khi đó, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, vẫn là người cầm trịch trong toàn bộ các cuộc thương lượng với Mỹ về vấn đề thương mại.

 Như vậy, sẽ có nhiều cuộc thương lượng, mặc cả nảy lửa, nhiều chuyến ngoại giao con thoi của nhiều quan chức các cấp là những gì 2 cường quốc hàng đầu thế giới Trung-Mỹ sẽ hành động trong 90 ngày tới.

 Trong vòng 90 ngày tới, mọi con mắt đều đổ dồn từ bàn ăn tối sang bàn đàm phán, để quan sát xem 2 cường quốc hàng đầu thế giới Mỹ-Trung có thực sự đạt được một Hiệp định mà hai bên có thể chấp nhận được hay không?