Hình ảnh được ghi nhận trong đoạn phim được đài truyền hình Triều Tiên KCTV công bố ngày 14/6, tức là 2 ngày sau cuộc gặp lịch sử giữa nhà lãnh đạo Kim Jong Un và ông Donald Trump ở Singapore.
Đoạn video của KCTV về chuyến thượng đỉnh của ông Kim có thời lượng 42 phút và được dẫn bởi "quý bà áo hồng" nổi tiếng Ri Chun Hee. Tình huống gây tranh cãi diễn ra khi Tổng thống Trump đang chào hỏi các quan chức cấp cao Triều Tiên với sự giới thiệu của ông Kim.
Khi đến lượt mình chào tổng thống Mỹ, tân Bộ trưởng Quốc phòng No Kwang Chol đã chào kiểu nhà binh. Ông Trump nhanh chóng làm theo, đưa tay lên trán và chào lại theo cách tương tự.
Cách ứng xử của ông Trump trong tình huống này đã kéo theo nhiều ý kiến trái chiều nghi thức ngoại giao.
Nhiều người cho rằng Tổng thống Trump chỉ nên chào kiểu nhà binh với quân nhân Mỹ chứ không phải với nước khác và hình ảnh này làm suy yếu vị thế của Washington. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng hình thức không phải là yếu tố quan trọng, thay vào đó là kết quả ông Trump đạt được tại thượng đỉnh.
"Đó là một phép lịch sự chung. Khi quan chức quân đội từ chính phủ khác chào, bạn đáp lại", người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders phản hồi trước các ý kiến chỉ trích.
Cựu tướng Mỹ Paul Eaton thì chỉ trích việc tổng chỉ huy quân đội Mỹ chào kiểu nhà binh với đối thủ là một hành động "không phù hợp". Một số ý kiến cho rằng Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa ký hòa ước nên cách chào của ông Trump là không đúng.
Theo New York Times, truyền thống tổng thống Mỹ chào kiểu nhà binh đáp lại các quân nhân và tướng lĩnh chỉ bắt đầu dưới thời Ronald Reagan những năm 1980, nhưng không có quy định nào về việc khi nào cách chào hỏi này là phù hợp.
Nhiều tổng thống Mỹ từng chịu chỉ trích liên quan đến câu chuyện chào kiểu nhà binh. Cựu tổng thống Barack Obama từng phải chịu búa rìu dư luận vào năm 2014 khi chào một sĩ quan khi đang cầm tách cà phê trên tay.