Trùm cây cảnh Nam Bộ

TP - Từ một đứa trẻ nghèo khó, cha mất sớm, anh Huỳnh Văn Dân, 32 tuổi, ở ấp Mái Dầm, xã Đại Thành (Ngã Bảy, Hậu Giang) đã nỗ lực vươn lên làm giàu với mô hình trồng cây cảnh. Anh Dân vinh dự được Trung ương Đoàn tặng giải thưởng Lương Định Của lần thứ 8 năm 2013.

> Mở rộng đất, làm kinh tế giỏi
> Anh em Thuận, Lợi vui với giun, ếch, rắn và nai

Tuổi thơ gian truân

Sinh ra ở vùng quê nghèo hẻo lánh, cuộc sống quanh năm gắn với đồng ruộng. Huỳnh Văn Dân là anh cả trong gia đình có 2 anh em. Năm Dân lên 12 tuổi, học lớp 6 thì cha qua đời. Dân phải dừng việc học của mình để nhường cho em gái đi học. “Hằng ngày, nhìn bạn bè cùng trang lứa cắp sách đến trường mà lòng đầy tiếc nuối. Tôi không học ở giảng đường thì tôi học ở trường đời”, Dân tự an ủi mình. Từ đó, Dân đã trở thành trụ cột gia đình và bắt đầu lăn lộn với đời bằng việc đi hái trái cây thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình.

 “Anh Dân là thanh niên cần cù, chịu khó làm ăn, có tinh thần giúp đỡ mọi người, không nản lòng khi thất bại để được thành công như bây giờ. Trong thời gian tới, Tỉnh Đoàn sẽ hỗ trợ anh Dân lập dự án vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh”. 

Anh Đoàn Quốc Thật, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Hậu Giang

Sau 3 năm học hỏi người khác làm ăn, biết được đường đi nước bước, tạo uy tín với nhà vườn và chủ hàng ở TPHCM, Dân đã mạnh dạn mượn tiền bạn bè gần 5 triệu đồng đứng ra làm chủ mua trái cây ở trong vườn bán lại cho bạn hàng khắp các tỉnh ĐBSCL. Năm 2003, anh Dân chuyển sang mua giống cam, bưởi, chanh ở Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang về nhà ươm lại bán cho người dân. Sau 2 năm thấy chỉ bán cây giống thì thu nhập chẳng bao nhiêu, anh Dân quyết định “lấy ngắn nuôi dài” bằng việc mua thêm cây cảnh loại dễ trồng như: lộc vừng, mai, bằng lăng, đem về tạo dáng để bán.

Lúc đầu vốn ít, chưa có kinh nghiệm nên anh Dân mua những cây có giá trị thấp. Nhưng do chưa nắm vững kĩ thuật và thời vụ nên khi mua xong đem về nhà thì cây đều bị chết. Anh Dân cho biết “hơn chục lần cây chết, tôi gần như hết vốn liếng”. Cố gắng khắc phục kĩ thuật để đem về cây sống đã là một thành công nhưng tìm đầu ra cho sản phẩm của mình thì không hề đơn giản khi đường sá vào nhà anh Dân vô cùng khó khăn.

Bước ngoặt làm giàu

Năm 2008, anh Dân vay mượn bạn bè 50 triệu đồng ra thuê mặt bằng gần quốc lộ 1, ở phường Hiệp Lợi (Ngã Bảy), trưng bày các sản phẩm kiểng của mình. Anh Dân nói, khó nhất là tìm đầu ra, khi bán được sản phẩm, phải vận chuyển tới nhà, hướng dẫn cách bón phân, xịt thuốc. Từ đó, khách hàng của anh Dân ngày càng đông hơn. Làm ăn thuận lợi anh Dân tích góp được tiền mua 1 ha đất vườn trồng cam sành, bưởi năm roi. Bên cạnh, anh Dân tận dụng khoảng trống dưới tán trồng thêm những loại cây hợp bóng râm như: trúc bách hợp, bằng lăng tím, vạn niên tùng… để tăng thêm thu nhập. Ngoài ra, anh Dân còn cung cấp, trồng cây xanh, thiết kế cho các công sở, quán ăn, cafe khắp các tỉnh ĐBSCL.

Chia sẻ về kinh nghiệm làm nghề, anh Dân nói: “Cây cảnh như là người con gái, mỗi người có vẻ đẹp riêng. Nghề này phải kiên trì, đam mê mới làm được”. Chị Nguyễn Thị Bích Liễu, vợ anh Dân, cho biết có lúc anh thức suốt đêm, quên cả ăn uống để uốn cây theo ý muốn.

Ngoài việc miệt mài nghiên cứu, học hỏi tìm ra những dáng cây mới lạ, bắt mắt khách hàng, anh Dân còn học thêm nghề sản xuất chậu trồng cây cảnh. Sau đó anh tự sản xuất tại nhà nhằm giảm chi phí mua chậu và tạo công ăn việc làm cho thanh niên. Không dừng lại ở đó, năm 2010, anh Dân thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Huỳnh Dân với 8 hội viên do chính anh làm chủ nhiệm. Anh Dân cho biết, một mình thì không cạnh tranh nổi trên thị trường, liên kết các anh em lại cho đa dạng sản phẩm và mang tính đặc trưng, mỗi khi khách hàng cần loại gì thì đáp ứng đầy đủ.

Hiện tại, số lượng chậu kiểng của riêng anh Dân đã lên tới hàng ngàn đủ các loại với giá trị hơn 2 tỷ đồng. Mỗi năm anh Dân lãi gần 400 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 8 lao động nông thôn, thu nhập trung bình mỗi người hơn 3 triệu đồng/tháng. Anh chuẩn bị nhập thêm các loại kiểng từ nơi khác về tạo dáng phục vụ thị trường Tết sắp tới.

Theo Báo giấy