Trồng lúa, nuôi cá trong dự án 'treo' 25 năm ở Sài Gòn

Suốt 25 năm dự án Bình Quới, Thanh Đa bị treo khiến đất ở nơi cách trung tâm TP HCM 5km hoang hóa, chỉ có thể nuôi cá, trồng lúa...

Bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP HCM) được bao quanh bởi sông Sài Gòn và kênh Thanh Đa. Năm 1992, dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được UBND TP phê duyệt. Đến 2004, dự án được giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng nhưng đơn vị này không triển khai được. Năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được chọn là nhà đầu tư với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong 50 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng.

Đồ án quy hoạch dự án đô thị Bình Quới - Thanh đa của Bitexco có diện tích là 450 ha, dân số 45.000 người, gồm phần lớn diện tích của phường 28. Tuy nhiên, năm 2017 Công ty Emaar Properties PJSC rút khỏi dự án, việc triển khai phương án, tiến độ dự án này như thế nào dường như còn bỏ ngỏ. Hiện, chỉ có đường Bình Quới là con đường chính và duy nhất bắc qua kênh Thanh Đa bởi cây cầu Kinh nối liền bán đảo với các vùng phụ cận.

Dọc theo đường Bình Quới, đi sâu vào bên trong bán đảo là những lô đất rộng lớn. Phần lớn trong tổng số 450 ha đất của dự án là những bãi cỏ rậm rạp, sình lầy xen kẽ vườn cây, ruộng lúa... Những mái nhà nằm lẻ loi giữa vùng ruộng đồng rộng lớn.

Nhiều lô đất khác người dân thả cá, trồng sen hoặc cho thuê để làm khu câu cá, nhà hàng. Hiện, còn hơn 3.000 hộ dân sống "treo" theo số phận dự án từ năm 1992 đến nay.

Ngoại trừ đường Bình Quới là trục chính, để vào sâu bên trong khu dự án là những con đường bê tông nhỏ ngoằn nghèo. Người dân cho biết, những con đường này mới làm từ năm 2010, sau khi UBND TP HCM có quyết định thu hồi dự án từ chủ đầu tư là Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn (do quá thời hạn triển khai dự án nhưng vẫn chưa triển khai).

Dù vậy, vẫn còn nhiều con đường đất ngoằn ngoèo đầy ổ gà ở khu vực chỉ cách trung tâm thành phố qua bờ sông Sài Gòn. "Khu này chủ yếu sình lầy, mưa thì ngập nước, tối chỉ thưa thớt vài nơi có đèn đường do người dân tự đóng góp làm", ông Nam, cư dân nơi đây cho biết.

Khi dự án được quy hoạch, từ năm 1992 việc xây dựng, chuyển mục đích, chuyển nhượng nhà đất... đều khó khăn. Sau này khi UBND Thành phố ban hành quyết định 27, quận Bình Thạnh có cấp giấy phép xây dựng tạm cho một số người dân. Vì không thể xây kiên cố nên người dân chỉ có thể cất những căn nhà khá lụp xụp để ở tạm.

"Tôi không thể xây nhà vì không xin được phép nên chỉ cơi nới tạm bợ phần hiên rồi lợp tôn vào để cho thuê. Mà dân ở đây suốt 25 năm nay không ai dám làm nhà kiên cố vì không biết khi nào sẽ phải giao đất cho dự án", anh Võ Văn Huân, 40 tuổi, phường 28 chia sẻ.

Trong suốt 25 năm qua, người dân ở đây đã sống trong cảnh chờ đợi dự án triển khai một cách mòn mỏi. "Tôi có nguyện vọng tách thửa đất 180 m2 ra chia cho con cháu nhưng do vướng quy hoạch nên không làm được đành cất thêm nhà tôn cho gia đình có thêm chỗ trú ngụ", bà Lê Thị Oanh (60 tuổi) chia sẻ.

Nhiều người dân trong khu dự án "liều" xây nhà nhưng cũng sớm bị dừng thi công do không có giấy phép xây dựng.

Nhiều lô đất được người dân trong khu vực tận dụng làm nơi trồng lúa. "Gia đình tôi có hơn 1.500 m2 đất nhưng chỉ biết trồng lúa, thả sen trong lúc chờ dự án triển khai. Trồng cho vui vậy thôi chứ nhà không có người làm, đất thì xấu, lúa không phát triển. Căn nhà của tôi được cơi nới tạm bợ cho con cái có thêm chỗ ở. Tôi chỉ mong dự án sớm triển khai để nhận tiền bồi thường mua nhà cho con", ông Hoa (59 tuổi) bộc bạch.

Chỉ cách một bờ sông, nhưng bên kia là khu Thảo Điền (quận 2) với những biệt thự, nhà phố tiền tỷ, hàng trăm dự án cao ốc... Hiện chỉ còn lại tập đoàn Bitexco "ôm" dự án này và thành phố đã có văn bản trình lại để xin ý kiến Thủ tướng.

Theo Theo VnExpress