Trò chơi điện tử vào hiến pháp Mỹ

TP - Toà án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết cho phép trò chơi điện tử được hưởng Điều Tu chính thứ nhất của Hiến pháp Mỹ. Như vậy, trò chơi điện tử ở Mỹ giờ đây được coi là sản phẩm trí tuệ tương đương với sách báo, âm nhạc và phim ảnh.

Phán quyết nói trên được Toà án Tối cao Mỹ thông qua với 7 phiếu ủng hộ và 2 phiếu phản đối. Nguyên nhân trực tiếp khiến Toà án Tối cao Mỹ phải xem xét và đưa ra phán quyết về vấn đề trò chơi điện tử xuất phát từ một lệnh cấm của Thống đốc bang California Jerry Brown. Ông Jerry Brown mới đây đã ra sắc lệnh cấm bán cho trẻ em những trò chơi điện tử có chứa đựng những cảnh bạo lực. Nhưng lệnh cấm của ông bị Hiệp hội những người bán phần mềm giải trí của Mỹ phản đối và hai bên phải nhờ cậy đến phán quyết của Toà án Tối cao Mỹ.

Hiệp hội những người bán phần mềm giải trí đã mở một chiến dịch rộng lớn (kể cả những cuộc họp quần chúng và những đợt thu thập chữ ký) nhằm cổ động cho trò chơi điện tử. Họ đòi trò chơi điện tử phải được thừa nhận là một loại sản phẩm lao động trí óc và do đó phải được hưởng Điều Tu chính thứ nhất của Hiến pháp Mỹ. Đáp lại những người nhấn mạnh mặt bạo lực trong nhiều trò chơi điện tử, họ nhắc đến hệ thống phân loại trò chơi điện tử theo lứa tuổi hiện đang được áp dụng rộng rãi. Họ khẳng định hệ thống đó “đủ thoả đáng” để bản thân các bậc cha mẹ có thể có khái niệm về nội dung của trò chơi điện tử mà con em mình đang sử dụng.

Vào đầu những năm 90, Quốc hội Mỹ đã mở phiên điều trần đặc biệt về ảnh hưởng của những trò chơi điện tử kiểu như Mortal Combat và Doom đối với xã hội. Sau phiên điều trần đó, Tổ chức Entertainement Software Rating Board (ESRB) của Mỹ và Canada được thành lập vào năm 1994 nhằm xây dựng hệ thống phân loại các trò chơi điện tử theo tiêu chí lứa tuổi và hệ thống này vẫn được áp dụng cho tới nay.

Ngọc Thoa
(Theo Lenta.ru)

Theo Báo giấy