Triều Tiên điều tra vụ phóng tên lửa thất bại

TP - Chiều 13-4, CHDCND Triều Tiên thông báo đang tìm hiểu nguyên nhân khiến vụ phóng tên lửa mang vệ tinh sáng cùng ngày thất bại.

>Triều Tiên được gì sau vụ phóng vệ tinh thất bại?

Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc nói rằng, tên lửa bay được hơn một phút thì vỡ ra và rơi xuống vùng biển bán đảo Triều Tiên. Yuri Karash, chuyên gia chính sách vũ trụ của Viện Khoa học Vũ trụ Nga, nói rằng, tên lửa đẩy ba tầng Unha-3 có thể trục trặc khi tầng thứ hai chuẩn bị được đốt cháy để phóng tiếp. Một số nhà phân tích cũng cho rằng, sự cố xảy ra trước khi tầng thứ nhất và thứ hai rời nhau.

“Việc phóng tên lửa đòi hỏi kinh nghiệm thực tiễn, phải phóng thường xuyên, nhưng Triều Tiên thiếu kinh nghiệm như vậy”, ông Karash nói. Hai vụ phóng tên lửa trước đó của Triều Tiên diễn ra vào năm 2009 và 1998. Về sự kiện năm 2009, các nhà phân tích Mỹ và Hàn Quốc cho rằng, tên lửa không đạt tới quỹ đạo, nhưng Triều Tiên tuyên bố vụ phóng thành công.

“Triều Tiên dựa vào bản thân để phát triển công nghệ vũ trụ mà không có trợ giúp đỡ từ bên ngoài. Vì vậy, họ sẽ mất nhiều thời gian hơn, chịu nhiều đau thương hơn để có thể phóng tên lửa thành công, để đạt được tỷ lệ thành công là 80-90%”, ông Karash nói.

Triều Tiên nói mục đích của vụ phóng tên lửa là đưa một vệ tinh quan trắc Trái Đất lên quỹ đạo, một trong các sự kiện chào mừng sinh nhật lần thứ 100 của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành. Tuy nhiên, Mỹ và một số nước khác cho rằng, đây thực chất là vụ thử công nghệ tên lửa tầm xa bị cấm theo nghị quyết của Liên Hợp Quốc (LHQ).

Phản ứng

Ngày 13-4, Nhà Trắng ra tuyên bố lên án vụ phóng tên lửa. “Triều Tiên ngày càng cô lập chính họ với việc thực hiện các hành động khiêu khích… Triều Tiên sẽ chỉ thể hiện sức mạnh và đạt được an ninh bằng cách tuân thủ luật pháp quốc tế, thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, cũng như làm việc để nuôi sống công dân của mình, giáo dục trẻ em của mình, và giành được lòng tin của các nước láng giềng”, tuyên bố viết. Tại Mỹ, ngoại trưởng các nước G8 cũng ra tuyên bố lên án vụ phóng tên lửa.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon gọi cuộc phóng tên lửa là đáng trách vì đây là hành động coi thường lập trường cứng rắn của cộng đồng quốc tế. Ông kêu gọi Triều Tiên không tiếp tục có những hành động khiêu khích làm tình hình khu vực thêm căng thẳng. Dự kiến, cuối ngày 13-4, Hội đồng Bảo an LHQ họp để thảo luận vụ phóng tên lửa. Liên minh châu Âu coi việc phóng tên lửa là “nguy hiểm và gây bất ổn”, vi phạm nghị quyết của LHQ.

Hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-Jin tuyên bố vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là hành động khiêu khích, và kêu gọi cộng đồng quốc tế trừng phạt nước này. Trước đó, Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Hàn Quốc thông qua nghị quyết kêu gọi đáp trả cứng rắn bất kỳ hành động khiêu khích nào từ phía Triều Tiên. Theo ông Kim Kwan-Jin, Hàn Quốc sẽ phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa trong vòng vài năm tới.

Ngày 13-4, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ kêu gọi các bên liên quan bình tĩnh, kiềm chế, đồng thời nỗ lực giải quyết vấn đề thông qua biện pháp ngoại giao và chính trị. Một số nước khác như New Zealand, Indonesia, Philippines… kêu gọi Triều Tiên không gây hấn, tuân thủ nghị quyết của LHQ. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được bổ nhiệm làm Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng, còn cha của ông, cố lãnh đạo Kim Jong-Il được tôn vinh là chủ tịch vĩnh viễn của ủy ban này.

Sau khi Triều Tiên phóng tên lửa, chính phủ Nhật Bản bị dư luận chỉ trích vì phản ứng chậm chạp trong việc xử lý thông tin. Trong khi Nhật Bản phô trương lực lượng đánh chặn trước vụ phóng, nước này phải mất gần 40 phút để chính thức xác nhận tên lửa rời bệ phóng, chậm hơn nhiều so với Hàn Quốc.

Hệ thống cảnh báo khẩn cấp J-alert (dự kiến được dùng để thông báo cho công chúng vài phút sau vụ phóng) không được kích hoạt. Tin tức về vụ phóng được gửi tới các chính quyền địa phương thông qua hệ thống thông tin khẩn cấp Em-Net gần một giờ sau khi tên lửa rời bệ phóng. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura nói rằng, chính phủ xác nhận vụ phóng lúc 7 giờ 40 phút sáng 13-4 (sau khi tên lửa rời bệ phóng), thông qua hệ thống vệ tinh cảnh báo sớm của Mỹ.

Nhưng giới chức Nhật Bản không muốn thông báo ngay cho công chúng vì muốn kiểm tra chéo với các nguồn khác. Lúc 8 giờ 23 phút, Bộ trưởng Quốc phòng Naoki Tanaka là quan chức chính phủ Nhật Bản đầu tiên chính thức tuyên bố Triều Tiên phóng tên lửa.

Mảnh vỡ

Các quan chức Hàn Quốc nói rằng, tên lửa Unha-3 dài 30m rời bệ phóng lúc 7 giờ 39 phút (giờ địa phương). Theo họ, tên lửa nổ, vỡ thành khoảng 20 mảnh và rơi xuống biển, cách Seoul 165km về phía tây. “Chúng tôi đang tiến hành chiến dịch tìm kiếm các mảnh vỡ”, một quan chức quốc phòng nói.

Khoảng 5 giờ sau khi tên lửa rời bệ phóng, Triều Tiên xác nhận vụ phóng không thành công. “Vệ tinh quan trắc Trái Đất không tới được quỹ đạo định trước. Các nhà khoa học, kỹ thuật viên và chuyên gia đang tìm hiểu nguyên nhân thất bại”, Thông tấn xã trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin. Đài truyền hình quốc gia cũng thông báo tương tự.

Một số phóng viên nước ngoài được mời tới Triều Tiên nhân sự kiện phóng tên lửa nói rằng, họ không được cung cấp thông tin gì về vụ phóng, ngoài tuyên bố ngắn gọn kể trên. Theo họ, vụ phóng thất bại có thể khiến giới lãnh đạo Triều Tiên ngượng ngùng và nhiều nước quan ngại về khả năng phóng tên lửa tầm xa mang vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng có thể bớt lo âu.

Hồi tháng 2, Triều Tiên đồng ý tạm dừng một phần các hoạt động hạt nhân và hoãn thử tên lửa để đổi lấy viện trợ lương thực của Mỹ. Thỏa thuận này bị tạm dừng tháng trước, sau khi Bình Nhưỡng thông báo kế hoạch phóng tên lửa Unha-3 mang vệ tinh Kwangmyongsong-3.

Việt Nam mong muốn bán đảo Triều Tiên hòa bình

Ngày 13-4, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Triều Tiên phóng vệ tinh, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nói: “Việt Nam luôn mong muốn một bán đảo Triều Tiên hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Chúng tôi bày tỏ sự quan ngại về diễn biến tình hình liên quan đến việc Triều Tiên phóng vệ tinh vừa qua. Chúng tôi một lần nữa nhấn mạnh tính cần thiết của việc tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là Nghị quyết 1874 vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Chúng tôi tiếp tục quan tâm, theo dõi sát diễn biến tình hình trên bán đảo Triều Tiên”.

Thái An
Theo China Daily, BBC, Yonhap, AP, Mainichi

Theo Báo giấy