Thời gian qua, tại Hà Nội, TP HCM và nhiều tỉnh thành xuất hiện một số người tự xưng là thành viên hoặc người đại diện của một số tập đoàn tài chính có trụ sở tại Mỹ đi huy động vốn đầu tư với lãi suất “không tưởng”, lên đến gần 70% mỗi tháng.
Với số tiền gửi tối thiểu 100 USD, khách hàng được cấp một mật khẩu trên trang web của các Cty đầu tư để theo dõi lãi suất tài khoản của mình. Khi nhận tiền của khách hàng, các “đại lý” trung gian này đều không cấp phiếu thu, giấy biên nhận.
Các đối tượng rêu rao tập đoàn huy động vốn để đầu tư kinh doanh bảo hiểm, sòng bạc, bất động sản… ở Mỹ và trên toàn thế giới nên có mức lãi suất hấp dẫn không một ngân hàng nào bì kịp.
Khách hàng cũng phải cam kết đầu tư lâu dài, trong trường hợp muốn rút lãi theo ngày thì liên hệ trực tiếp với người môi giới. Ngoài ra, những nhà đầu tư còn được hưởng phần trăm lãi suất nếu giới thiệu được nhiều người tham gia, theo kiểu kinh doanh đa cấp.
Mặc dù mới xuất hiện, song hình thức “đầu tư qua mạng” này đã thu hút rất đông người “gửi tiền thật, lĩnh lãi ảo”.
Theo xác minh của Cơ quan CSĐT Bộ CA, tất cả các Cty huy động vốn qua mạng như: www.colonyinvest.net, www.callysinvest.com, www.money100.us, www.c-invest.com, www.vip-viet.com, Tập đoàn Empire Group Allince, Singapore... đều không có thật, chỉ có website để lừa người đầu tư, cấp tài khoản và “điểm”; các thông tin liên hệ trên website đều là giả hoặc không có. Thực chất, đây chính là trò lừa đảo theo kiểu kinh doanh đa cấp.
Thực tế cũng có vài người đã nhận được tiền lãi qua tài khoản ngân hàng, song hầu hết mọi người tham gia đều cho biết là không thể rút được tiền lãi và chỉ bán lại tiền đầu tư và “điểm” lãi cho người mới tham gia.
Các đại lý có hai hình thức: nhận tiền và trả điểm ảo trực tiếp cho người đầu tư; hoặc nhận tiền của người đầu tư rồi chuyển cho đại lý cấp cao hơn lấy hoa hồng, đại lý cấp cao này chuyển trả “điểm” cho người đầu tư.
Sau khi nhận tiền của người đầu tư, những đối tượng lừa đảo đã giữ lại phần lớn số tiền đầu tư để chiếm đoạt, một phần chuyển cho đại lý cấp trên và những đại lý này cũng chiếm đoạt luôn số tiền của người đầu tư. Người đầu tư chỉ nhận được tiền lãi bằng “điểm” ảo và bán lại cho nhau để kiếm lời...
Tổng số tiền bị lừa đảo có thể lên đến 160 tỷ đồng
Ba đối tượng bị bắt tạm giam gồm: Hoàng Thị Bây (SN 1965, trú tại phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn), Vũ Thị Thu Hằng (SN 1976, trú tại phường 17, quận Tân Bình, TP HCM) và Nguyễn Văn Dân (SN 1973, quê Hải Dương, trú tại quận 12 TP HCM).
Trong số các đối tượng bị bắt giam, Vũ Thị Thu Hằng được coi là một trong số các đối tượng cầm đầu, tổ chức và phát triển mạng lưới colonyinvest.net tại Việt Nam, cũng là người thu tiền của các đại lý ở các tỉnh.
Từ ngày 16/2/2006 đến ngày 19/10/2007, đã có 256 lượt chuyển tiền vào tài khoản của Hằng, với tổng số tiền lên đến hơn 25,3 tỷ đồng. Hằng cũng đã rút từ tài khoản tổng số tiền 24,8 tỷ đồng và không có dấu hiệu chuyển tiền tiếp cho người khác.
Như vậy, Hằng có khả năng là tuyến cao nhất, chiếm đoạt phần lớn tiền đầu tư của những người tham gia mạng lưới colonyinvest.net tại Việt Nam.
Trong các nạn nhân của Hằng, người gửi tiền nhiều nhất có N.D.M (Hà Nội), với số tiền hơn 4,98 tỷ đồng; N.T.X. (Hà Nội) gửi 3,29 tỷ đồng; một người khác ở Bắc Giang gửi 4,95 tỷ đồng... Trong số những người này, có khả năng có những người vừa là nạn nhân, vừa là “đại lý” cấp dưới đi thu gom tiền của người đầu tư để chuyển tiếp cho Hằng.
“Đại lý” Hoàng Thị Bây cũng được xác định đã nhận hơn 1,7 tỷ đồng của người đầu tư. Kiểm tra tài khoản của đối tượng này tại ngân hàng, cơ quan điều tra đã phát hiện, phong toả hơn 896 triệu đồng.
Theo nhận định của cơ quan CA, đây là một đường dây lừa đảo hết sức tinh vi và có quy mô rộng khắp. Có khoảng 20.000 người liên quan đến việc “đầu tư qua mạng” này, gồm các đối tượng cầm đầu, tổ chức, các “đại lý” và nạn nhân.
Cũng có không ít người ban đầu là nạn nhân của trò lừa đảo, nhưng sau đó lại tiếp tục đi lừa người khác đầu tư, bán lại “điểm” để thu hồi vốn. Theo một cán bộ điều tra, tổng số tiền mà các nạn nhân đã bị lừa đảo, chiếm đoạt qua các đường dây lừa đảo này ít nhất cũng lên đến 10 triệu USD, tương đương 160 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định còn một số đối tượng chính cầm đầu các đường dây lừa đảo này, có thể đang sống ở Hồng Kông, Mỹ, cùng một số “đại lý” chính hoạt động tích cực ở TP HCM và Hà Nội.
Vụ án đang tiếp tục được cơ quan CA mở rộng điều tra. Theo xác định bước đầu, khi vụ án được mở rộng, số lượng các đối tượng lừa đảo bị xử lý hình sự có thể lên đến hàng chục người, ở nhiều địa phương trên cả nước.