Triển vọng du lịch sinh thái biển tại Tiền Giang

Phát huy tiềm năng phong phú, đa dạng của biển Gò Công (Tân Thành), huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang) có tiềm năng phát triển du lịch theo mô hình du lịch sinh thái ngập mặn, kết hợp với văn hóa, lịch sử của vùng đất vốn nổi tiếng từ xa xưa.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, một trong những điểm nhấn của tiềm năng du lịch sinh thái biển Gò Công là các cồn, bãi nằm ven cửa Tiểu trên sông Tiền, tiếp giáp Biển Đông bên cạnh điểm du lịch của bãi biển. Vài năm trở lại đây, các cồn, bãi ven biển này thu hút du khách trong và ngoài nước trong khuôn khổ các tour du lịch sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long.

Khu du lịch biển Gò Công đón bình quân trên 50.000 lượt khách/năm. Theo đó, các cồn, bãi bên cạnh đó có tiềm năng du lịch sinh thái lớn

Huyện Tân Phú Đông gồm hệ thống cù lao nằm án ngữ hạ lưu sông Tiền. Nơi đây có Cồn Ngang có chiều dài 5,5km, rộng 2,5km với diện tích 1.617ha nằm ở xã Phú Tân, là vùng bồi tụ tự nhiên hình thành với hệ sinh thái rừng ngập mặn, đa dạng sinh học phong phú gồm cây bần, đước, mắm… cùng hệ động vật biển gồm các loại cá ngát, cá đuối, ốc hương…

Ông Lê Thanh Đằng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông chia sẻ: “Huyện Tân Phú Đông có diện tích rừng phòng hộ lớn nhất tỉnh. Trong quy hoạch phát triển kinh tế địa phương, Huyện sẽ tận dụng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, sinh thái biển để phát triển mảng du lịch xanh, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương và xây dựng nông thôn mới đẹp giàu”.

Nơi giao thoa giữa biển và đất liền tại xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông tỉnh Tiền Giang.

Cồn ông Mão cũng là một trong những điểm thu hút du khách bởi những sân nghêu mênh mông với nhiều bãi cát trải dài thoai thoải khi thủy triều xuống, cùng các chòi canh nghêu nằm chơi vơi trên mặt biển. Cồn ông Mão nằm tiếp giáp với vùng đất liền thuộc xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông), có chiều dài 7km, rộng 5km, diện tích 4.055ha.

Cào nghêu thuê tại sân nghêu.

Còn cồn Cống là dải đất cuối cùng của huyện Tân Phú Đông hướng ra biển. Cồn nằm giữa các cửa sông lại giáp biển, vừa thích hợp cho việc nuôi trồng và khai thác hải sản, vừa là nơi để phát triển du lịch sinh thái.

Cùng với hệ thống rừng ngập mặn khoảng 1.210ha từ xã Vàm Láng đến ấp Đèn Đỏ (xã Tân Thành) bao gồm cả rừng phòng hộ, bãi bồi ven biển, các cồn ven biển Gò Công được đánh giá là nguồn dự trữ sinh quyển quý giá của huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông. Đây là tiền đề quan trọng góp phần hình thành nên tiềm năng du lịch sinh thái biển đặc trưng ở Gò Công cũng như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Chung tay cùng Tiền Giang trồng rừng phòng hộ và đẩy mạnh du lịch sinh thái, vừa qua, Tết An Bình 2023 “Hành trình gieo mầm hạnh phúc” do Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBANK) khởi xướng thực hiện trồng 10.000 cây đước và cây phi lao tại xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Những cây xanh được trồng xuống sẽ góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Qua đó, sẽ làm phong phú cho hệ thực vật ven biển, giúp ổn định nguồn sinh kế chính của người dân nơi “đầu sóng ngọn gió”.

Đây là năm thứ 14 chương trình Tết An Bình được triển khai và cũng là năm thứ 3 ABBANK đồng hành cùng Trung tâm Truyền Thông Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường hưởng ứng lời kêu gọi trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khuôn khổ Chương trình, ABBANK đồng thời trao tặng 25 suất học bổng trị giá 2 triệu đồng/suất cho 25 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại 2 xã Phú Tân và Tân Thới của huyện Tân Phú Đông; đóng góp cùng bà con 5km đường ống nước sạch (nước máy) cho 136 hộ dân 2 xã này do ở xa đường ống chính chưa tiếp cận được với nguồn nước máy.

ABBANK đóng góp cùng bà con 5km đường ống nước sạch (nước máy) cho 136 hộ dân 2 xã Phú Tân và Tân Thới do ở xa đường ống chính chưa tiếp cận được với nguồn nước máy.

Tại lễ bàn giao cây và nghiệm thu công trình đường ống nước sạch, ông Lê Thanh Đằng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông chia sẻ: “Món quà Tết do Trung tâm Truyền Thông Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng ABBANK mang tới vô cùng thiết thực. Ngoài đóng góp vào việc bảo vệ môi trường, ngăn chặn thiên tai, bão lũ, 10.000 cây xanh mà Chương trình trao tặng còn góp phần tạo cảnh quan không gian xanh để cùng chúng tôi đẩy mạnh du lịch sinh thái theo như kế hoạch phát triển kinh tế của Huyện trong thời gian tới”.

Vừa qua UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã chấp nhận chủ trương lập Dự án “Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Tiền Giang”; phê duyệt Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Trong đó, gồm 14 đoạn huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông với tổng chiều dài khu vực bảo vệ bờ biển là 36,1km. Dự án đang được triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2024.

Với đầy đủ những yếu tố tiềm năng và điều kiện đặc trưng hiếm có; cùng với nỗ lực của chính quyền địa phương và sự chung tay của các tổ chức/doanh nghiệp, Tiền Giang hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm du lịch mới lạ, đặc trưng, có tính hấp dẫn cao để trở thành một địa điểm du lịch sinh thái biển hấp dẫn góp phần giúp các huyện ven biển Gò Công phát triển bền vững.