Trị say nắng và say nóng theo đông y

TP - Nguyên tắc điều trị chủ yếu là thanh thử, giải nhiệt. Khi người bị say nắng, say nóng nên đem ngay ra khỏi nắng, nóng, cho nằm nghỉ ở nơi thoáng mát. Nới rộng quần áo hoặc cởi bỏ bớt, sau đó dùng khăn tẩm nước mát lạnh, đắp vùng trán, gáy, nách, lau khắp người để làm hạ thân nhiệt.
Thời tiết nhiệt độ cao thường gây say nắng và say nóng
Thời tiết nhiệt độ cao thường gây say nắng và say nóng.

Theo dõi cho đến khi thân nhiệt hạ xuống dưới 38 độ C. Ngoài ra nên cho uống nhiều nước để bù các chất điện giải như nước oresol, nước trà loãng (hoặc nước lọc) pha đường muối (tỷ lệ 8g đường/1g muối). Nếu bị hôn mê phải đưa đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.

Trường hợp bị nhẹ, có thể dùng một trong các bài thuốc sau:

Cho bột sắn dây 20-30g, hòa với nước sôi để nguội 350ml thêm chút đường cho dễ uống. Ngày uống 2-3 lần. Ruột quả dưa hấu 500-800g, ép lấy nước, chia 2-3 lần uống trong ngày. Lá sen tươi 20g, lá hoắc hương tươi 16g, rễ cây lau (hoặc lá dâu tằm tươi) 16g. Nấu với 1 lít nước, còn lại 600ml chia 2-3 lần uống trong ngày hoặc quả bí xanh (bí đao) 100-150g, gọt vỏ, rửa sạch, ép lấy nước cho uống 1-2 lần/ngày.

Có thể sử dụng một số thức uống như rau má, nước mía, nước sắn dây, đậu ván trắng (bạch biển đậu), trà xanh hoặc trà tươi. Ngoài ra, có thể nấu nước đậu xanh 60g + lá sen tươi 30g. Hai thứ rửa sạch, nấu với 2 lít nước, đến khi đậu xanh chín là được. Chắt lấy nước, để nguội rồi dùng uống thay nước trà trong ngày. Thức ăn này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chống nắng nóng, an thần, cầm nôn hiệu quả. 

Cũng có thể dùng cháo giải cảm nắng gồm gạo tẻ nấu với các chất liệu lá sen tươi 1 cái, đậu xanh 30-50g, bột (hoặc củ sắn dây) 30-50g, lá hương nhu tươi 12-16g, có thể thêm thịt heo nạc băm nhỏ + gia vị vừa ăn để ăn trong ngày.

Để phòng ngừa say nắng, say nóng ngoài việc luyện thân thể, ăn uống đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng, cần lưu ý ăn thêm rau quả tươi. Khi ra ngoài trời nắng, cần có mũ nóng che đầu (rộng vành càng tốt), áo quần rộng rãi, thoáng mát, cổ áo cao để tránh nắng chiếu vào gáy.

Vào mùa nắng nóng, không ở nơi nóng bức liên tục quá lâu, hoạt động 45-60 phút, cần nghỉ giải lao 10-15 phút và ở môi trường nhiệt độ cao phải có quần áo chuyên dụng, luôn phải chuẩn bị nước sạch để uống khi khát.

Với đông y có các món ăn giải nhiệt mùa nóng, giúp phòng chống được các tác hại do nắng nóng của mùa hè gây ra như canh tần ô thịt heo có tác dụng kích thích tiêu hoá, trừ đàm nhiệt, chữa ho lâu ngày, viêm họng do nhiệt, rất tốt cho người bị viêm họng, ho có đờm lâu ngày, hay bị đau mắt đỏ do phong nhiệt. Ăn món này dễ tiêu hoá, giải nhiệt.

Ngoài ra món canh hến nấu rau bồ ngót có tác dụng thanh nhiệt, trừ thấp, giải độc, nhuận trường, mát gan, thông tiểu. Rất tốt cho người bị nhiệt độc thường sinh mụn nhọt, người táo bón, tiểu tiện khó, người bị viêm gan, vàng mắt, tiểu đường.

Hoặc món canh bầu nấu tôm cũng có tác dụng giải nhiệt, trừ độc, tiêu viêm. Thường dùng trong trường hợp viêm nhiệt, tiểu rắt, tiểu khó, phù thũng, mụn nhọt vào mùa nắng nóng, người khô khát. Ngoài ra dùng nước chanh, cà rốt; Nước thơm, lê hay nước sữa chua, cà chua và nước; Nước khổ qua, mật ong; Nước bí đao, gừng

Lương y Đinh Công Bảy
Tổng thư ký Hội Dược liệu TPHCM