PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mắc COVID-19 chính là đưa virus tự nhiên vào cơ thể và cơ thể sẽ phản ứng để tạo ra các kháng thể để chống lại virus trong khoảng thời gian nhất định. “Theo các nghiên cứu, cũng tương tự như sau tiêm 3 mũi vắc xin phòng COVID-19, khoảng thời gian lưu trữ được kháng thể chống lại virus dài nhất là 6-9 tháng. Do vậy, sau khi trẻ là F0 đã khỏi từ 3 tháng trở ra, phụ huynh có thể đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 để bổ sung nồng độ kháng thể trong cơ thể của các cháu”, PGS.TS Trần Minh Điển nói.
Cũng theo chuyên gia nhi khoa này, trong giai đoạn hiện tại, hiệu quả của vắc xin phòng COVID được đánh giá là rất tốt trong việc giảm ca bệnh nặng và tử vong. TS Điển cho hay: “Xu hướng tới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rất mong muốn chúng ta phủ được rộng hơn nữa vắc xin phòng COVID-19 ở nhóm tuổi thấp hơn nữa, nếu như có các nghiên cứu của các nhà sản xuất đưa ra các vắc xin ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi vì đây thực sự là nhóm trẻ yếu thế, hệ thống miễn dịch chưa đầy đủ. Biến chủng mới cũng chưa xác định rõ là như thế nào”.
Bộ Y tế đang triển khai các hoạt động chuẩn bị cho việc tiến hành các thủ tục để đưa vắc xin về Việt Nam, đồng thời tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến, cũng như công tác chuẩn bị tại các địa phương để hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi an toàn, tăng độ bao phủ. Dự kiến hoạt động này sẽ triển khai từ quý II năm 2022. Mỗi trẻ sẽ được tiêm 2 liều vắc xin phòng COVID-19 là Comirnaty do Công ty Pfizer sản xuất với lịch tiêm do Bộ Y tế hướng dẫn. Đây là vắc xin có hàm lượng 10mg trong mỗi liều 0,2ml, thấp hơn so với vắc xin Comirnaty dùng cho người lớn.
Tuy nhiên TS Đặng Thanh Huyền, Phó Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia thông tin, theo hướng dẫn của WHO và Bộ Y tế, các trường hợp đã mắc COVID-19 hoặc nhiễm SARS-COV2 không triệu chứng thì khi hết thời gian cách li có thể thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19. “Như chúng ta đã biết, một số trường hợp đã mắc COVID-19 có thể bị tái nhiễm do miễn dịch giảm hoặc do mắc chủng mới. Việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 chú trọng giảm tỉ lệ mắc bệnh nặng và tử vong do bệnh. Vì vậy, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho những người đã từng mắc bệnh là cần thiết. Tuy nhiên, có thể để cho trẻ có thời gian hồi phục sức khỏe sau khi mắc COVID-19 và có đáp ứng tốt với vắc xin. Tại Anh, khoảng cách này là 4 tuần”, bác sĩ Huyền cho biết thêm.
Về vấn đề này, TS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) nhận định: “Trẻ đã mắc COVID-19 vẫn nên tiêm sau khi đã khỏi bệnh và phục hồi sức khỏe như bình thường. Theo hướng dẫn gần đây của WHO, nên tiêm vắc xin COVID-19 cách 14 ngày với các vắc xin khác (trừ vắc xin cúm có thể tiêm cùng thời điểm). Trẻ bị khó thở thì không tiêm ngay được, gia đình cần đưa trẻ đi khám ở bệnh viện chuyên sâu về Nhi để có kết luận chính xác”.
Giúp giảm 45-51% số ca điều trị cấp cứu ở trẻ 5-15 tuổi
Theo TS Đặng Thanh Huyền, báo cáo gần đây của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, việc tiêm 2 mũi vắc xin Comirnaty trong vòng 5 tháng giúp làm giảm 31% số trường hợp mắc COVID-19 do chủng Omicron ở trẻ 5-11 tuổi. Đồng thời giảm 45-51% số trường hợp phải điều trị cấp cứu ở trẻ 5-15 tuổi. “Tiêm chủng có thể có các phản ứng nhưng nếu theo dõi cẩn thận thì vẫn đảm bảo an toàn. Sau khi tiêm cho trẻ, gia đình vẫn phải theo dõi sát các dấu hiệu bất thường của trẻ và liên hệ ngay đến các cơ sở y tế khi trẻ có dấu hiệu bất thường”, bác sĩ Huyền khuyến cáo.
Nhiều gia đình băn khoăn việc trẻ em từ 5- dưới 12 tuổi béo phì có nên tiêm vắc xin phòng COVID-19 hay không, PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM nhấn mạnh: “Qua theo dõi nhiều tài liệu cho thấy trẻ em nhóm nguy cơ béo phì, bệnh lí bẩm sinh, sinh non, thiếu cân có nguy cơ tử vong cao, đặc biệt là khi chưa được tiêm vắc xin. Những di chứng để lại như thế nào khi các cháu bị nhiễm COVID-19 thì rõ ràng còn quá mới, chúng ta vẫn chưa tìm hiểu và nghiên cứu được hết”.
Bộ Y tế đang triển khai các hoạt động chuẩn bị cho việc tiến hành các thủ tục để đưa vắc xin về Việt Nam, đồng thời tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến, cũng như công tác chuẩn bị tại các địa phương để hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi an toàn, tăng độ bao phủ. Dự kiến hoạt động này sẽ triển khai từ quý II năm 2022. Mỗi trẻ sẽ được tiêm 2 liều vắc xin phòng COVID-19 là Comirnaty do Công ty Pfizer sản xuất với lịch tiêm do Bộ Y tế hướng dẫn. Đây là vắc xin có hàm lượng 10mg trong mỗi liều 0,2ml, thấp hơn so với vắc xin Comirnaty dùng cho người lớn.
Trước lo lắng của nhiều phụ huynh về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sinh sản, di truyền hay các phản ứng lâu dài, PGS.TS Trần Minh Điển khẳng định vắc xin COVID-19 không gây ảnh hưởng đến di truyền hay hệ sinh sản của trẻ. “Bản chất của vắc xin này là các thành phần RNA thông tin - khi đi vào trong tế bào, tạo ra các protein, phối hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống virus. Các RNA thông tin không xâm nhập vào nơi chứa tế bào di truyền của cơ thể con người. Đây là một cơ chế khoa học rất rõ ràng. Những ảnh hưởng ngay lập tức 5-7-10 ngày sau tiêm, chúng ta cũng không nên lo ngại vì cũng giống như các loại vắc xin tiêm chủng cho trẻ lớn hơn và cho người lớn”, PGS Điển phân tích. Ông đồng thời nhấn mạnh, vắc xin phòng COVID-19 hiện được sử dụng rộng rãi cho phụ nữ có thai để phòng ngừa các biến chứng do bệnh trong thai kì. Do đó người lớn hãy yên tâm cho trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Theo bác sĩ Huyền, hiện không có xét nghiệm nào có thể xác định một cách đáng tin cậy xác định một người có được bảo vệ sau khi bị nhiễm virus gây ra COVID-19 hay không. Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 sau khi khỏi bệnh COVID-19 giúp tăng cường khả năng bảo vệ cho hệ thống miễn dịch. Những người đã mắc COVID-19 và không tiêm phòng sau khi hồi phục có nhiều khả năng bị tái mắc COVID-19 hơn những người được tiêm phòng sau khi khỏi bệnh. Vì vậy, những người đã mắc bệnh, bao gồm trẻ em cũng cần tiêm vắc xin phòng COVID-19 sau khi mắc bệnh để phòng tái nhiễm và các biến chứng của bệnh.