Trẻ mù mắt do đèn flash?

Thông tin một bé trai người Trung Quốc bị mù mắt do đèn flash từ máy chụp ảnh khiến dư luận hoang mang, truyền tai nhau những lời cảnh báo. Các chuyên gia nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Ảnh minh họa: Internet

Hoang mang...

Thông tin này làm không ít các bậc phụ đứng ngồi không yên. Họ xót thương cho em bé, đồng thời cũng hốt hoảng nhận ra mình đã có không ít lần chụp ảnh cho con mà vẫn để chế độ bật đèn. Chị Ngọc Quỳnh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Đọc tin mà tôi thấy đứng hình luôn. Em bé này cũng chạc tuổi cu Thóc nhà tôi và tôi cũng thường xuyên sử dụng flash khi chụp hình. Rất may là sự cố chưa xảy ra. Từ nay xin chừa, chắc chẳng dám ảnh ọt gì nữa”.

Đồng quan điểm với chị Quỳnh, chị Hồng Quyên (Gia Lâm, Hà Nội) nói bằng giọng se sẽ, ngập ngừng: “Hôm trước, nhà tôi mới đưa con đi chụp ảnh nghệ thuật làm kỉ niệm. Ở đó đèn điếc người ta bật loạn lên. May mà bé nhà tôi bình yên vô sự. Ông chồng tôi đọc được tin này, vốn đã không thích chụp ảnh nên được đà mắng vợ: “Đấy, ảnh với ọt, kỉ với niệm cái gì. Hôm nay nó mà làm sao thì cô chết với tôi”. Bây giờ có thách kẹo tôi cũng không dám chụp ảnh cho con nữa, chẳng may quên không tắt flash thì toi”.

Cũng tỏ ra xót thương em bé Trung Quốc xấu số kia, tuy nhiên, chị Bình Minh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lại tỏ vẻ hơi nghi ngại: “Dù báo chí đăng tin ầm ấm, kèm cả ảnh nhân vật chính, song tôi vẫn thấy thế nào ấy. Lẽ nào đèn flash lại nguy hại đến vậy? Nếu thế, sao các nhà sản xuất không khuyến cáo người dùng? Mẹ tôi kể, ngày xưa, khi còn là thợ ảnh, bà vẫn dùng đèn flash để chụp ảnh đầy tháng, biết lẫy, biết bò... cho các em bé mà cũng chưa từng nghe thấy tai nạn này. Chẳng biết thực hư thế nào”.

Thông tin không có cơ sở khoa học

Theo nguồn tin được đăng tải trên trang People's Daily Online, một em bé người Trung Quốc đã bị tổn thương một bên mắt do chụp ảnh với đèn flash ở khoảng cách khá gần là 25cm. Theo đó, sau khi chụp ảnh, cha mẹ nhận thấy có vấn đề với thị giác của con trai mình và nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện để kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ kết luận thị lực mắt trái của bé đã bị suy giảm còn mắt phải thì không nhìn thấy gì. Đây là những tổn thương vĩnh viễn và không thể phục hồi.

Trả lời những câu hỏi của người nhà và báo chí, một bác sĩ ở bệnh viện này cho biết: Ánh đèn flash đã phá hủy các tế bào trên điểm vàng của mắt. Đây là một bộ phận quan trọng trong mắt, nơi hội tụ các tia sáng tới. Tuy nhiên, điểm vàng ở trẻ sơ sinh lại chưa hoàn thiện cho đến khi các bé được 4 tuổi. Do đó, trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với ánh sáng mạnh.

Không chỉ vậy, vị bác sĩ này còn cho biết thêm: ngay cả khi nhắm mắt thì nếu tiếp xúc với ánh sáng đèn flash, theo phản xạ chỉ cần vài phần ngàn giây ánh sáng mạnh cũng có thể gây tổn thương vĩnh viễn đối với thị giác trẻ sơ sinh.

Trước thông tin trên, GS Đỗ Như Hơn, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Mắt TW - người có hàng chục năm nghiên cứu về mắt, tỏ ra vô cùng ngạc nhiên. Theo ông, đây là một tin mà tính xác thực không cao, bởi lẽ ánh sáng đèn flash không đủ mạnh để làm bỏng võng mạc, giác mạc, dẫn đến những tổn thương vĩnh viễn ở mắt.

Trước nay, y khoa mới ghi nhận các trường hợp mắt bị tổn thương do tia hồng ngoại, tia cực tím, đèn laser hay nguồn sáng từ việc hàn xì quá lâu... chứ chưa từng nhắc đến flash là nguyên nhân gây giảm, mất thị lực. Ông khẳng định: ngay cả khi cấu trúc mắt của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện thì đèn flash cũng không thể gây hại cho mắt.

Thực tế cho thấy, ở Việt Nam, nhiều bệnh viện vẫn sử dụng đèn flash để xác định các tật về mắt mà chưa có thông tin nào xác nhận luồng sáng này có thể gây hại cho thị lực của trẻ. Tất nhiên, những trường hợp khám bằng đèn flash như vậy, bác sĩ cũng cần phải tránh soi quá lâu.

Không chỉ có chuyên gia trong nước mới nghi ngờ về tính xác thực của thông tin này mà

TS. Alex Levin, Trưởng khoa Khám mắt trẻ em và các bệnh di truyền về mắt tại Bệnh viện Mắt Wills Eye ở Philadelphia (Mỹ) cũng cho rằng thông tin này “không thể hiểu được”.

Theo ông, rất có thể thị lực của em bé này đã có vấn đề từ lúc lọt lòng, song gia đình mới phát hiện bất thường trùng với thời điểm sau khi chụp ảnh. Ông khẳng định: Ngay cả tia laser - một nguồn sáng có thể gây hại cũng không thể gây mù nếu chỉ chiếu lướt qua mắt. Vì thế, đèn flash không thể gây ra những tổn thương nặng đến thế.

Dù thông tin về khả năng gây giảm, mất thị lực ở mắt đã được nhiều chuyên gia bác bỏ, tuy nhiên, đây cũng là lời cảnh báo cho các bậc phụ huynh về việc cần hạn chế trẻ tiếp xúc với những nguồn sáng có thể gây hại như tivi, máy tính, điện thoại... Những nguồn sáng này tất nhiên không quá mạnh, không thể tức thời gây hại cho mắt, song nếu tiếp xúc thường xuyên trong thời gian dài, chắc chắn thị lực của trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng.


Theo Theo SKGĐ