Đáng lo ngại vì lời cổ vũ sinh nở "thuận theo tự nhiên"
Một bà mẹ trong hội chia sẻ khi sinh con chị đã ăn chay trong thai kỳ, tự sinh con ở nhà, tự đỡ đẻ, không chích ngừa, không cắt rốn, da kề da liên tục sau 4h sinh và em bé đã tự tìm ti mẹ sau 30 phút sinh con.
Vào ngày thứ 6, trẻ sơ sinh rụng rốn và bà tắm cho bé thấy rốn rất đẹp.
Không chỉ bảo nhau cách để thai sản thuận tự nhiên, nhóm này mọi người còn chia sẻ với nhau về nguy cơ mang đủ thứ bệnh do sinh mổ từ hen suyễn, tiểu đường týp 1 cho đến bệnh tim mạch, thậm chí ung thư... sẽ "ghé thăm" trẻ khiến không ít bà mẹ có suy nghĩ sẽ quay trở về thai sản tự nhiên như các cụ ngày xưa vẫn thường làm là đẻ ở nhà, không tiêm phòng, ăn chay…
“Thành tích” của bà mẹ này nhanh chóng được chia sẻ và đa số đều tỏ ra khá bất ngờ với cách sinh con nguy hiểm này. Không ít bà mẹ từng sinh con khác cho rằng “thành tích đáng chết người” chứ có gì mà khoe khoang.
Chị Lê Thị Hương sau khi đọc status của bà mẹ cũng sốc “ ở bệnh viện có bác sĩ, có nhân viên y tế còn nguy hiểm huống chi tự đẻ ở nhà, thật là sợ hãi”.
Hay như chị Hiền Lương chia sẻ lên facebook của mình “Hỡi những bà mẹ phát “cuồng” kia, có nên sinh ở nhà, nước ngoài người ta sinh đầy nhưng có sự trợ giúp của bác si và y tá, có cả e kip cấp cứu có gì là chưa đầy 5 phút sau sản phụ sẽ lên bàn mổ cấp cứu ngay. Sáng ra nhìn ảnh em bé nằm cạnh nhau thai, ngủ ngon lành, mẹ bé vào hội khoe thành tích đẻ và cảm ơn “chuyên gia”, trời ơi thấy Y học chắc lùi thêm 100 năm, trở về thời nguyên thủy quá”.
Tuy xuất hiện chưa lâu tại VN, trường phái "thuận tự nhiên" của hội này đã thu hút không ít bà mẹ tôn sùng nguyên tắc chỉ "tự nhiên" mới tốt, chẳng hạn như ốm không chữa bằng thuốc mà bằng… sữa mẹ, không tiêm văcxin cho con, đẻ tại nhà....
Hội nhóm này "thần thánh hóa" sữa mẹ một cách thái quá khi chia sẻ những "bí kíp" như... ngón tay đứt có thể mọc lại, sữa có thể chữa lành tim bẩm sinh, hoặc nhỏ sữa mẹ vào mắt con, chữa zona thần kinh bằng sữa mẹ...
Vốn là thực phẩm tốt nhất dành cho con trẻ, việc nuôi con bằng sữa mẹ luôn được khuyến khích và chứa đựng nhiều lợi ích khó có thể kể hết. Thế nhưng, bên cạnh đó, nhiều mẹ bỉm sữa đang trở nên "cuồng tín" khi tin rằng: sữa mẹ ngoài để cho bé bú còn có thể chữa đủ thứ bệnh như sổ mũi, đau mắt, chàm, mụn nhọt, nhanh liền vết thương…
ThS.BS. Lê Việt Sơn - Trưởng Khoa Mắt (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: việc nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ để chữa bệnh về mắt hay làm tăng sức đề kháng cho mắt là không có cơ sở khoa học. Mặc dù trong sữa mẹ có nhiều dưỡng chất, kháng thể tốt cho cơ thể bé, nhưng nó chỉ phát huy hiệu quả khi mẹ cho bé bú đúng cách, chứ không có tác dụng nhiều đối với việc tiêu diệt vi khuẩn trong mắt. Chính vì vậy, việc nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ để chữa bệnh về mắt hay làm tăng sức đề kháng cho mắt là không có cơ sở khoa học.
Hơn nữa, sữa mẹ chứa nhiều dưỡng chất là môi trường “lý tưởng” giúp vi khuẩn sinh sôi, nảy nở nên nhỏ sữa vào mắt còn làm tăng nguy cơ vi khuẩn tấn công khiến bé mắc các bệnh về mắt. Đối với những trẻ đang bị các bệnh về mắt, khi nhỏ sữa mẹ dễ khiến cho bệnh trở nặng hơn, dẫn đến các biến chứng như viêm loét giác mạc, nguy hiểm nhất là làm giảm thị lực của bé.
Bác sĩ sản khoa giật mình
Thực ra Lotus Birth hay "thuận tự nhiên" là phương pháp không mới trong Y khoa, tuy nhiên phương pháp này cần áp dụng đúng thời điểm, đúng loại bệnh. Việc thực hiện sinh sản "thuận tự nhiên" như nhiều người gần đây đang tuyên truyền trên mạng xã hội theo nhiều chuyên gia y tế là phản khoa học.
Trước lo ngại về trào lưu sinh con thuận tự nhiên, đẻ tại nhà đang dần phổ biến trong một bộ phận thai phụ, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cảnh báo quá trình sinh con luôn ẩn chứa rất nhiều nguy cơ không thể lường trước.“Một cuộc đẻ có thể xảy ra giông tố ngay lập tức. Có những lúc thai nhi đang bình yên, người mẹ khỏe mạnh, bỗng vỡ ối, sa rau thai chèn vào thai gây suy thai, lúc đó cần phải khẩn cấp đưa họ lên bàn mổ. Hoặc đang đẻ, rau thai bong ra, máu chảy ồ ạt. Nếu bác sĩ không xử lý nhanh, sản phụ có thể chết ngay lập tức", PGS Ánh cảnh báo.
Điều đó giải thích lý do người ta gọi giai đoạn sinh nở của phụ nữ là “cửa mả". Nói về việc thai sản tự nhiên đang được lan truyền thời gian gần đây, cụ thể nhất là việc tự sinh tại nhà, không cần nhân viên y tế, bác sĩ này khẳng định cần để việc sinh nở của phụ nữ diễn ra tự nhiên nhất có thể. Tuy nhiên, tôn trọng tự nhiên nhưng không có nghĩa bất chấp mọi thứ như hai trường hợp trên.
Để kiểm soát cuộc sinh nở, thai phụ cần được nghe tim thai, theo dõi sự giãn nở của tử cung, sức khỏe, sự biến chuyển của cơn co,… Nếu diễn biến tự nhiên, bác sĩ sẽ không can thiệp. Nếu xuất hiện sự bất thường như rối loạn cơn co, nhịp tim thai, rối loạn quá trình chuyển dạ, ngừng trệ hoặc quá nhanh, mẹ và con đều phải được theo dõi liên tục.
“Nếu quá trình sinh nở bị đình trệ sẽ làm suy thai, ngược lại chuyển dạ tới quá nhanh cũng rất nguy hiểm. Khi đó, bác sĩ phải khuyên thai phụ ngừng rặn, tránh nguy cơ rách tầng sinh môn, vùng âm đạo, trực tràng. Trường hợp này nếu không có bác sĩ phải can thiệp, cả mẹ và con sẽ nguy kịch”, PGS Ánh cho biết.
Chuyên gia này cũng lưu ý y học sản khoa hiện đại theo dõi một thai sản tự nhiên để biết khi nào không còn thuận tự nhiên nữa phải can thiệp, không phải can thiệp bừa bãi các trường hợp đang diễn biến thuận lợi. Bởi sự can thiệp quá sâu, quá sai sẽ làm tăng tỷ lệ mổ đẻ, khiến cuộc đẻ từ dễ thành khó.
Liên quan tới trào lưu trên, Bộ Y tế cũng đã ra văn bản khuyến cáo sản phụ không được sinh đẻ tại nhà. Việc sinh đẻ tại nhà có thể dẫn đến những nguy cơ, tai biến trầm trọng như băng huyết, vỡ tử cung, nhiễm trùng, mất tim thai, uốn ván sơ sinh, thậm chí tử vong mẹ và con…
Theo TS BS Nguyễn Hữu Trung – Giám đốc phòng khám sản khoa Hoàng Gia, TP.HCM với cách sinh tự nhiên trên tiềm ẩn nhiều tai biến sản khoa cho cả bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Bác sĩ Trung cho biết trường hợp bà mẹ này chỉ may mắn như chuyện “đẻ rơi” (sanh rớt) hàng ngày vẫn thỉnh thoảng có thể xảy ra ở đâu đó nên không thể lấy điều này mà khuyên cho cả cộng đồng áp dụng và coi như thai sản thuận tự nhiên được.
Theo bác sĩ Trung, khi một bà mẹ sinh con thì có 5 tai biến sản khoa phổ biến nguy hiểm đến cả bà mẹ và em bé, thập chí có thể tử vong như băng huyết sau sinh, vỡ tử cung, uốn ván dây rốn, tiền sản giật, nhiễm khuẩn sau sinh. 5 tai biến này tồn tại từ bao đời nay và Y khoa hiện đại tìm mọi cách để giảm tỷ lệ mắc phải các tai biến sản khoa này bằng việc ra đời hệ thống y tế để chăm sóc sản khoa một cách tốt nhất cho các bà mẹ mang thai. Khi sinh bé, cả 5 tai biến này đều có nguy cơ xảy ra ngay cả ở cả các bệnh viện tuyến cuối.
Bác sĩ Trung cho biết, tại một số nước ở Châu Âu hay Mỹ người ta vẫn có dịch vụ sinh tại nhà nhưng chỉ áp dụng trong một số ít trường hợp. Đó là khi người mẹ không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào, sản phụ và gia đình được tư vấn những bất lợi cũng như tai biến có thể xảy ra một cách bất ngờ trong cuộc sinh, gia đình sản phụ phải liên hệ với bệnh viện và bệnh viện cử nhân viên y tế về hỗ trợ chứ không phải tự sinh như trường hợp của sản phụ trên.
Nếu các bà mẹ học theo người mẹ trên tự sinh con thì vô cùng nguy hiểm. Với biến chứng băng huyết sau sinh- biến chứng nguy hiểm xảy ra ngay lúc sinh- là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ. Nó xảy ra khi máu chảy không ngừng từ tử cung, cổ tử cung, hoặc âm đạo. Trường hợp này phải được xử lý cấp cứu một cách nhanh chóng bởi một đội ngũ các bác sĩ sản khoa, bác sĩ gây mê hồi sức… với những thuốc đặc trị và thậm chí cần phải truyền máu để cứu sản phụ. Nếu sản phụ sinh tại nhà thì khi xảy ra tai biến này thì không thể cấp cứu được.
Với cách chia sẻ như bà mẹ trên, cả thai kỳ không đi khám thai, không siêu âm, không thực hiện các xét nghiệm tầm soát dị tật thai, không thể biết các chỉ số kích thước của con thì việc tự sinh càng nguy cơ nhiều hơn.
Bác sĩ Trung cho biết, ngày nay y học hiện đại đang nỗ lực phát triển trong đó có cả sản khoa nhằm hạn chế thấp nhất các tai biến trong sản khoa. Việc sinh con tại nhà của bà mẹ kia không biết là thật sự chủ động hay là lỡ sinh rớt tại nhà rồi tự xử trí. Tuy nhiên, lấy việc của mình ra rồi khuyên mọi người sinh con tại nhà như vậy là rất không nên chút nào và rất nguy hiểm.
Sau khi xem cách sinh thuận tự nhiên đang được nhiều mẹ chia sẻ, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã thốt lên: "Thực sự nguy hiểm". Bác sĩ Khanh cho biết, chỉ nhìn vào hình ảnh em bé nằm cạnh bánh nhau thai đã đầy rẫy nguy cơ nhiễm trùng.
Bác sĩ Khanh thấy trong "báo cáo thành tích" của bà mẹ kia, chỉ có phương pháp da ấp da là bác sĩ "cảm thấy đúng" còn lại đều phản khoa học. Ngày nay, trong sinh đẻ họ không cắt rốn như trước mà bé được kẹp rốn bằng một kẹp y tế an toàn chứ không phải "ôm" nguyên bánh nhau như trên.
Bánh nhau sau khi được đưa ra khỏi bụng mẹ nó có nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, dễ trở thành ổ vi khuẩn và có thể thông qua dây rốn gây nhiễm khuẩn cho em bé. Bánh nhau để song song với dây rốn đến 6 ngày tự ngắt, đến bác sĩ Khanh cũng không hiểu nổi các bà mẹ suy nghĩ gì mà để con sống cạnh "đống thịt thối" như vậy?
Nguy hiểm cho cả mẹ và trẻ
Ngoài ra, với cách thai sản tự nhiên như ăn chay, không chích ngừa lại càng nguy hiểm cho bé bởi vì nguy cơ nhiễm uốn ván sơ sinh rất lớn.
Uốn ván là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm do trực khuẩn uốn ván gây ra. Tác nhân gây bệnh uốn ván tồn tại chủ yếu dưới dạng nha bào và có mặt ở khắp nơi trong đất cát, môi trường, cống rãnh xung quanh chúng ta.
Bệnh uốn ván sơ sinh là bệnh xảy ra ở trẻ sơ sinh do vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể trẻ chủ yếu qua đường rốn trong quá trình sinh đẻ, cắt rốn hoặc chăm sóc rốn sau đẻ không đảm bảo vô trùng. Trẻ bị mắc bệnh uốn ván sơ sinh có biểu hiện lâm sàng và diễn biến rất nặng, trẻ bị co cứng, co giật và hầu hết đều tử vong.
Bác sĩ Khanh nhấn mạnh, đây là bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong hàng đầu trong các bệnh ở trẻ em. Ngoài ra bệnh uốn ván cũng có thể xảy ra cho chính các bà mẹ trong quá trình sinh đẻ nếu cuộc đẻ không được đảm bảo vô trùng. Bệnh uốn ván sơ sinh hay gặp ở vùng miền núi, vùng nông thôn nơi có tỷ lệ đẻ tại nhà cao, đẻ và chăm sóc rốn không đảm bảo.
Chính vì thế, ngày nay khi mang thai các bà mẹ đều được chỉ định, khuyến cáo tiêm phòng uốn ván phòng uốn ván sơ sinh cho trẻ.
Nói thêm quan niệm 30 phút trẻ có thể tự tìm tới ti của mẹ để bú, bác sĩ Khanh cho rằng, điều đó không đúng, đứa trẻ không thể tự trườn, bò để tìm ti của mẹ bú mà người lớn phải cho bé bú mẹ càng sớm càng tốt.
Nếu cứ để tự nhiên, để bé tự tìm ti mẹ bú thì có những bé bị bệnh lý nào đó không tìm được ti mẹ thì các mẹ sẽ bị đói. "Một cách chia sẻ thật ngớ ngẩn", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Với việc cổ động thai sản tự nhiên này, bác sĩ Khanh lo ngại cần có các biện pháp ngăn ngừa ngay bởi nhiều bà mẹ hiện nay đang cuồng tự nhiên như những bà mẹ trong nhóm này.
Không chỉ nguy cơ với trẻ mà nguy cơ tai biến sản khoa với chính bà mẹ cũng vô cùng lớn như nguy cơ băng huyết, tiền sản giật, đờ tử cung…
Bác sĩ Khanh cũng khuyến cáo, với các bệnh lý của trẻ nhỏ như hen, tiểu đường type 1, các bệnh tim mạch, ung thư… đều có căn nguyên của nó chứ không phải do sinh mổ mà ra.