Tránh xa chất độc hại trong mỹ phẩm dưỡng da
> Thận trọng với thảo dược 'sâm tố nữ'
> Hóa chất độc hại trong mỹ phẩm cần tránh xa
Trong thành phần của các loại dược mỹ phẩm (cosmeceuticals) dưỡng da đang lưu hành hiện nay có chứa nhiều chất làm đẹp cho da. Bên cạnh đó, để bảo quản dược mỹ phẩm được lâu, trong mỗi sản phẩm, nhà sản xuất cũng sử dụng nhiều hóa chất có thể gây hại cho da và sức khỏe.
Thành phần tốt cho da
Coenzym Q10 (coQ10): CoQ10 có khả năng chống oxy hóa mạnh, góp phần quan trọng hỗ trợ cơ thể trong việc chống các gốc tự do; nó có tác dụng hiệp đồng với các chất chống oxy hóa khác như bêta caroten, vitamin E, vitamin C... Trong mỹ phẩm, CoQ10 có tác động trực tiếp giúp ngăn ngừa vết nhăn và giảm vết nhăn một cách hiệu quả.
Vitamin E: là thành phần quen thuộc trong các sản phẩm dưỡng da. Vitamin E đóng vai trò quan trọng trong việc chống lão hóa, làm chậm quá trình lão hóa da, đặc biệt, loại thần dược này còn giúp da không bị khô, duy trì độ ẩm cho da, giảm nếp nhăn da.
Bearberry: có hiệu quả đáng kể trong thay đổi màu sắc của làn da, có thể làm trắng cũng như điều trị tàn nhang, nám... Ngày càng nhiều sản phẩm chăm sóc da sử dụng bearberry, vì thế, khi chọn kem dưỡng trắng, bạn nên để ý tìm kiếm thành phần này.
Hoạt chất cô đặc từ aloe vera (nha đam - lô hội): có công dụng tái tạo sự tươi trẻ cho các làn da bị lão hóa sớm. Dưỡng cho da khỏe mạnh, làm lành các vết bỏng và vết sẹo sau khi bị mụn. Làm mềm và tái tạo các vùng da bị cháy nắng, chống nhăn da...
Collagen: chính là một loại protein, chiếm khoảng 25% tổng lượng protein của cơ thể. Collagen trong da là yếu tố làm da chun giãn, đàn hồi. Vì vậy, khi suy giảm chất này sẽ làm da của chúng ta mất đi sự đàn hồi. Collagen làm da mịn màng, trẻ trung và sinh động.
Collagen còn được sử dụng trong điều trị một số bệnh lý của da như sẹo, rạn da, tổn hại sau mụn trứng cá, sau điều trị nám, sau các trị liệu laser chữa các bệnh da...
Trong dược mỹ phẩm dưỡng da, collagen chống lão hóa da. Có thể dùng khi da bắt đầu có dấu hiệu của lão hóa: khi xuất hiện các vết nhăn hình “chân chim” ở đuôi mắt, khóe miệng, xuất hiện các nếp nhăn lớn, da chùng nhão, chảy sệ, mất đi sự căng mịn, da không hồng hào, tươi nhuận mà bắt đầu sạm khô và thô.
Collagen xóa đi các nếp nhăn, phục hồi khả năng đàn hồi của da, ngăn chặn hình thành các nếp nhăn mới, tăng cường trẻ hóa tế bào, tăng khả năng giữ nước cho da.
Retinoids: Các retinoids là một lớp các hợp chất hóa học có liên quan hóa học với vitamin A, có tác dụng với da bị mụn trứng cá, chống lão hóa và siêu sắc tố da, kích thích sản xuất collagen trong da.
Retinoids hỗ trợ trong việc bình thường hóa hyperkeratinization, có nghĩa là chúng giúp bong da (hoặc lột vảy) tế bào da chết để các tế bào da chết không kết hợp với nhau và làm tắc nghẽn lỗ chân lông của bạn.
Điều này là quan trọng bởi vì nếu các nang tóc của bạn bị tắc, bạn sẽ có được chứng dày sừng. Nếu ống dẫn dầu của bạn bị tắc, bạn sẽ có mụn trứng cá.
Cả hai đều là điều kiện da không mong muốn. Những người có nếp nhăn da cũng có thể sử dụng retinoids như một biện pháp phòng ngừa để giúp giữ cho làn da trẻ và khỏe mạnh trong thời gian dài.
Tránh xa chất có hại
Các sản phẩm dưỡng da, làm sạch da đều có thể chứa những thành phần độc hại nhất định. Với những làn da yếu, bị mụn, da nhạy cảm thì những hóa chất có hại đó sẽ gây ra nhiều tác hại khó lường. Một số chất còn gây hại cho cơ thể.
Dầu mineral oil: còn gọi là liquid paraffin, liquid petroleum, white oil được chưng cất từ dầu thô. Loại dầu này có nhiều trong các đồ dưỡng thể, dưỡng da mặt như dầu mát xa, dầu tẩy trắng, baby oil, vaseline... Mineral oil tạo thành một lớp mỏng không thấm nước trên da, làm tắc lỗ chân lông khiến cho da giảm khả năng bài tiết.
Paraben: Người ta thường không đề paraben ngay trên nhãn của sản phẩm mà sẽ nêu một loạt các chất có họ paraben như methylparaben, propylparaben, ethylparaben, butylparaben. Đây là thứ hóa chất kháng nấm mốc rẻ tiền có tác dụng làm kéo dài thêm tuổi thọ của sản phẩm. Dung nạp quá nhiều paraben vào cơ thể sẽ gây rối loạn hormon, làm ảnh hưởng tới quá trình trao đổi chất của da, kích thích khối u phát triển...
Sodium lauryl sulfate: giúp tạo bọt trong các loại xà phòng, dầu gội, sữa tắm. Chất này có thể gây kích ứng cho làn da dị ứng, hư tổn giác mạc.
Polyethylene glycol (PEG): Đây là nhóm các chất giúp da giữ ẩm và thẩm thấu nhanh các dưỡng chất trong mỹ phẩm. Tuy nhiên, trong thành phần của chất này có thể chứa một lượng nhỏ dioxan và các chất thơm nhóm đa xiclic - đây là các chất bị nghi ngờ gây ung thư.
Nanoparticle (các vi hạt): Các nhà sản xuất ít khi công bố các hạt này trên mỹ phẩm. Tuy nhiên, chúng lại hay có trong thành phần của dung dịch dưỡng da, kem chống nắng. Mặc dù các nghiên cứu khẳng định các hạt này chủ yếu có lợi nhưng vẫn nên thận trọng khi sử dụng vì chúng có thể lọt thẳng vào máu và gây nguy hiểm.
Phenoxyethanol: Chất bảo quản này có cả trong những mỹ phẩm được đề là mỹ phẩm tự nhiên hay mỹ phẩm hữu cơ (không sử dụng hóa chất). Ở châu Âu, chất này bị coi là chất kích ứng da. Phenoxyethanol nguyên chất có thể gây ra các bệnh liên quan đến đường sinh sản hay thần kinh.
Triethanolamin (Tea)/Diethanolamin (Dea): Được tìm thấy trong một số loại dầu gội, dầu xả, lotion, gel cạo râu, kem dưỡng da, sữa dưỡng thể... Chúng có tác dụng điều chỉnh độ PH nhưng lại gây hại cho mắt, đồng thời khiến da và tóc mất dần độ ẩm.
Để hạn chế tác hại của những hóa chất có trong dược mỹ phẩm đối với da và sức khỏe, người sử dụng nên chọn mua những loại mỹ phẩm của những hãng có thương hiệu, vì những hãng này dù có sử dụng hóa chất nhưng chỉ trong hàm lượng cho phép nên phần nào tránh được những tác hại.
Theo Phương Linh
Sức khỏe & Đời sống